Mỗi buổi sáng, Jung In lại được đánh thức bằng cuộc gọi video yêu đương với Tae Joo, phiên bản AI của bạn trai, người nhắc cô còn 30 phút nữa trước khi xe buýt đến. Khi cô vội vã lao ra cửa, Tae Joo cười và nói với theo: “Nhớ mang ô đi cùng, hôm nay trời mưa”.

Tae Joo ngoài đời thực đang bị hôn mê và Jung In đã sử dụng dịch vụ có tên Wonderland để bạn trai hồi phục trong một thế giới khác. Cô luôn có thể liên lạc với Tae Joo AI qua điện thoại thông minh và TV.

Đây là cốt truyện của bộ phim “Wonderland” phát hành hồi tháng 6. Tuy nhiên, ý tưởng về tình yêu với AI đang dần trở thành hiện thực với nhiều người trên thế giới.

Người bạn, người thân, người yêu AI

Trong thế giới của Zeta, một ứng dụng chatbot AI tạo sinh do startup Scatter Lab phát triển, người dùng kết bạn với 650.000 nhân vật ảo khác nhau. Trò chuyện với nhân vật ảo không có cảm giác khác biệt so với người thật nhưng gần gũi hơn.

Trả lời The Korea Herald, Scatter Lab cho biết, muốn cung cấp dịch vụ AI để mọi người có “ai đó” của riêng mình. Họ có thể tạo ra người bạn đồng hành phù hợp với nét tính cách mong muốn, khám phá sự sáng tạo và tận hưởng thời gian tương tác với AI.

Sau 4 tháng ra phiên bản thử nghiệm, Zeta hiện có hơn 600.000 người dùng, trung bình dành 133 phút trên ứng dụng mỗi ngày.

pggl9tfn.png
Làm bạn, làm người yêu và kết hôn với AI đang trở thành một xu hướng. Ảnh: Dall-E

Nếu muốn có trải nghiệm thân mật hơn, chatbot Replika có thể đáp ứng. Nó có khả năng nhớ lại các đoạn hội thoại cũ và kỷ niệm để cùng nhau xây dựng một quan hệ lâu dài.

Eugenia Kuyda, nhà sáng lập kiêm CEO Replika, nảy ra ý tưởng sau cái chết của bạn thân. Cô quyết định “hồi sinh” bạn mình bằng cách nạp email và tin nhắn văn bản cho một mô hình ngôn ngữ thô sơ, tạo ra chatbot biết nói chuyện như bạn mình và hồi tưởng những kỷ niệm chung.

Trong ứng dụng, nhân vật ảo sẽ đi quanh phòng và nhắn tin cho người dùng trước, hoặc lắng nghe người dùng qua điện thoại mỗi khi họ cần sự ủng hộ về mặt tinh thần.

Vì vậy, không bất ngờ khi Rosanna Ramos, một phụ nữ 36 tuổi sống tại Mỹ, tuyên bố kết hôn với bạn trai ảo, Eren Kartal, “người” mà cô gặp trong Replika. Chia sẻ với báo chí, cô nói không phải đối phó với gia đình, con cái hay bạn bè của Kartal mà có thể kiểm soát và làm gì cô muốn.

Ra mắt năm 2017, ứng dụng có hơn 10 triệu người dùng. Khoảng 25% trả phí để duy trì quan hệ với người cố vấn, người bạn, người anh em hay người yêu ảo.

Nguôi nỗi cô đơn

Một nghiên cứu của Trường Giáo dục thuộc Đại học Stanford hồi tháng 1 chỉ ra Replika có hiệu quả trong việc khơi gợi mối quan hệ tình cảm sâu sắc với người dùng, làm nguôi nỗi cô đơn và suy nghĩ tự tử. Trong cuộc khảo sát thực hiện với 1.006 sinh viên sử dụng Replika, 3% cho biết ứng dụng ngăn họ nghĩ đến tự sát.

Với chatbot Character AI, các nhân vật ảo phổ biến nhất là cố vấn và nhà trị liệu, những người biết cách an ủi phù hợp và luôn có mặt 24/7. Ứng dụng đạt hơn 20 triệu người dùng trên toàn cầu, tính đến năm nay.

Khi dân số Hàn Quốc ngày một già đi, chính phủ giới thiệu robot AI trong các chính sách chăm sóc người cao tuổi. Họ cho mượn Hyodol, một búp bê AI mô phỏng đứa bé 7 tuổi trong nỗ lực giúp người già bớt cô đơn. Hyodol có thể nhắc nhở uống thuốc hay gọi hỗ trợ khi khẩn cấp. Trang bị ChatGPT, nó còn biết đòi ôm hoặc trò chuyện với người dùng.

Công nghệ hiện đại dường như đang mở ra những cơ hội mới cho các mối quan hệ. Theo CEO Replika Kuyda, kết hôn với chatbot AI là chuyện bình thường. Chúng không thay thế người thật mà tạo ra một danh mục quan hệ hoàn toàn mới.

Dù vậy, các chuyên gia đồng thời cảnh báo về tác dụng phụ không mong muốn mà đối tác AI gây ra cho quan hệ ngoài đời và kỹ năng giao tiếp của con người.

Khi đánh giá mô hình ChatGPT-4o mới nhất, OpenAI thừa nhận mọi người có thể dần phụ thuộc cảm xúc vào mô hình AI tạo sinh, từ đó, giảm nhu cầu tương tác với con người, ảnh hưởng đến những quan hệ lành mạnh.

Giáo sư tâm lý học Kwak Keum Joo từ Đại học Quốc gia Seoul giải thích, nếu các mối quan hệ ngoài đời đòi hỏi nỗ lực để thích nghi với nhau, quan hệ với AI lại không cần đến điều đó. Kiểu giao tiếp một chiều có khả năng dẫn đến thông tin sai lệch và rối loạn gắn bó trong đời sống thực.

Bà cũng lên tiếng về các trò lừa đảo liên quan đến AI đang phổ biến hơn và kêu gọi các nhà phát triển, nhà hoạch định chính sách giới thiệu quy định để kiềm chế hoạt động tội phạm, trong khi bảo vệ người dùng bằng cách cấm các mô hình AI nói những thứ không phù hợp, lạm dụng, đưa ra phần mềm xác định nội dung do AI tạo ra.

(Theo Korea Herald, The Straits Times)