Nếu tò mò với những món ốc lạ như ốc chồng cái, heo chúa, gai xanh…, bạn hãy lên kế hoạch khám phá trong những ngày cuối năm cùng bạn bè.
Tại TP.HCM, nếu muốn thay đổi với các loại ốc lạ, bạn có thể đến phường 3, quận 4. |
Thực đơn của quán toàn những món ốc lạ tai, như ốc cách tiên, bù chằng (ốc mượn hồn), bạch ngọc, tai tượng, sò chúa, càng cúm... Tên lạ với thực khách Sài thành, nhưng hầu hết đều là đặc sản của các làng chài thuộc Khánh Hòa hay Bình Thuận. |
Sò mông là đặc sản của thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Sò mông có kích thước khá lớn nên được bán theo con (15.000 đồng một con). Khi có khách gọi món, đầu bếp cạy vỏ, tách lấy thịt, xắt lát rồi nướng với mỡ hành, phô mai hay tỏi ớt tùy yêu cầu. Thịt sò tươi, ngọt kết hợp cùng vị thơm béo của mỡ hành mang đến hương vị đậm đà. |
Trái với tạo hình gai góc, đen và thô cứng, thịt ốc gai xanh có độ ngọt, thơm, sần sật. |
Bạn có thể nướng ốc gai xanh với nhiều gia vị, nhưng đúng chuẩn của người Vạn Giã là nướng cùng hỗn hợp mắm nhĩ gồm mắm, ngò rí, tỏi ớt. Để tăng độ đậm đà, bạn có thể chấm thịt ốc cùng nước mắm chua ngọt, muối ớt xanh hay mật ong. Mỗi món chấm có điểm nhấn riêng sẽ tạo nên hương vị độc đáo. |
Mỗi con ốc heo chúa có trọng lượng ít nhất một kg. Khi chế biến, đầu bếp thường tách lấy thịt ốc, xắt mỏng, rồi kết hợp cùng các loại gia vị, nguyên liệu. |
Món ốc heo chúa sốt bơ cay ngoài điểm nhấn của thịt ốc, của gia vị còn có rau muống xanh giòn. |
Nếu ốc mặt trăng xanh có thể chế biến với nhiều phương pháp, ốc mặt trăng đỏ với thịt có vị đắng nhẹ chỉ đặc chế với món nướng. Bù cho thiếu sót này là độ giòn, thơm vượt trội. |
Bí kíp dùng nước biển trong chế biến giúp phần thịt ốc trồi ra khỏi vỏ sau khiến việc thưởng thức trở nên dễ dàng hơn. |
Ốc nhảy cái nhỏ hơn ốc nhảy thông thường nhưng vị thơm, ngọt hơn hẳn. |
Một đặc điểm thú vị nữa là một số vật dụng, chén, đĩa của quán được thiết kế từ vỏ ốc. Điều này khiến các món ăn trở nên sinh động và đáng yêu hơn. Quán bán từ 8-22h hàng ngày. Giá các món từ 30.000 đồng. |
(Theo Zing)