Ngành giáo dục thường bị “soi” nhiều nhất trong các thảo luận của xã hội nói chung và diễn đàn Quốc hội nói riêng. Điều này cũng dễ hiểu, vì thứ nhất, gia đình nào cũng có người đi học. Thứ hai, ngành GD dễ phê phán nhất vì nó chỉ có phấn bảng làm … vũ khí.

Có những phán xét đúng và có tính xây dựng, song cũng có ý kiến còn phiến diện. Bài viết này không có ý tổng kết các vấn đề mà chỉ điểm lại một vài chuyện mà người viết quan tâm qua phiên chất vấn Bộ trưởng GD Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV.

Giao trứng cho … ai?

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp QH khóa XIV.

Thực tế là ngành GD có rất nhiều đề án, dự án tiêu tiền của dân mà hiệu quả vẫn bị coi là thấp. Chính cán bộ của Bộ GD cho biết hầu hết là “nơi trú chân” cho cán bộ của ngành khi về hưu. Thật trớ trêu và nực cười, khi còn tại chức, có đủ quyền hành và phương tiện …, những cán bộ này không phát huy được những gì họ có, thì làm sao khi về hưu họ làm được tốt hơn? Nếu nói đó là hành động “giao trứng cho ác” thật không oan.

Liệu Bộ GD đến bao giờ sẽ công khai cho dân biết những đồng tiền của họ, trong đó có tiền vay của các ngân hàng nước ngoài như ADB, WB … được tiêu ra sao và hiệu quả thế nào, từ dự án GD tiểu học đến GD đại học?

Đề án Ngoại ngữ là một trong nhiều đề án như thế. Nếu thưc sự số tiền rất lớn đó được chi cho mua sắm thiết bị đắt tiền để “đắp chăn”, “chết lâm sàng”, … hoăc cho một số ít cán bộ quản lí đi du hí trong những chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” vài ngày ở nước ngoài như vừa qua, trong khi những việc làm thiết thực bồi dưỡng cho giáo viên thực dạy … bị bỏ quên, thì đó là một tội lỗi đối với các thầy cô và học sinh.

Thiết nghĩ, Bộ GD nên có khảo sát công khai ý kiến giáo viên ngoại ngữ về hiệu quả của Đề án 2020 này để có phương hướng đúng.

Bám sát chương trình chứ không phải nhắc lại SGK

Sách giáo khoa (SGK) trong bất cứ chương trình đào tạo nào cũng chỉ là một trong nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu chương trình.

Do vậy, đa số giáo viên và các nhà GD hiểu kỳ thi trung học phổ thông quốc gia phải lấy mục tiêu chương trình làm cơ sở. Song, vẫn có một số ít người nhầm lẫn nội dung và mục tiêu với nội dung SGK. Ví dụ, với môn ngoại ngữ, họ cho rằng đề thi không được có từ, ngữ nào không có trong SGK!? Yêu cầu này khiến người ta liên tưởng đến hành động “gọt chân cho vừa giày”.

Trong phát biểu trước QH, Bộ trưởng Bộ GD đã nói đúng: Đề thi THPTQG tập trung vào nội dung chương trình lớp 12.

Trong quan hệ chương trình – SGK, chương trình có tính bao trùm, còn SGK có tính bộ phận, đặc biệt trong xu hướng sử dụng hơn một bộ SGK cho một chương trình.

Bạo lực học đường- tại ai?

Chuyện học sinh bắt nạt lẫn nhau có từ xa xưa. Người viết bài này cũng từng chứng kiến chuyện trẻ con đó trong nhà trường. Song, đổ lỗi hết cho nhà trường là điều hoàn toàn không công bằng. Nói một cách ngắn gọn, nhà trường là sản phẩm của XH và có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng không gia đình nào, không thầy cô nào xúi trẻ con đánh nhau. Trẻ con là sự phản ánh của xã hội người lớn.

Trong một xã hội mà người có quyền lực, như đồng chí Trưởng ban Tổ chức Quận ủy (Cầu Giấy) sử dụng du côn, xã hội đen, hay phó Giám đốc CA của một thành phố dung túng và là bạn với thế lực đâm thuê chém mướn, … đặt cho chúng ta câu hỏi gì? Họ là một “bộ phận nhỏ” nhưng lại có trọng lượng quyền lực không nhỏ. Sự phải – trái trong xã hội người lớn lấy bạo lực tiền bạc hoặc bạo lực đen như thế làm trọng tài. Thầy cô và nhà trường liệu có chống lại được những thế lực đen này không khi họ chỉ có … phấn và bảng?

Đã có nhiều lời bàn về nguyên nhân thất nghiệp. Nhưng không thể đổ cho ngành GD duy nhất là thủ phạm. Hiện tượng này chủ yếu phụ thuộc sự phát triển kinh tế của một đất nước. Hơn nữa, với hệ thống hành chính, công quyền cồng kềnh và nhũng nhiễu của Việt Nam, có người từng nhận xét rằng đến Bill Gate sang đây cũng không xin được việc tại doanh nghiệp quốc doanh nếu không “chạy” hoặc có “ông anh” nào đó bảo trợ.

Nguyễn Phương