Theo Reuters, các hiệp hội nông dân đã kêu gọi lập các rào cản trong và xung quanh Paris để tăng áp lực với chính phủ của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal sau khi cáo buộc nhà chức trách đã không làm đủ để giúp đỡ họ. Động thái đã gây ùn tắc giao thông kéo dài quanh thủ đô Pháp ngày 26/1.
Một tài liệu rò rỉ cho thấy, chi nhánh hiệp hội nông dân FNSEA ở Paris có kế hoạch dựng 11 rào chắn trên các trục giao thông chính quanh thành phố, bao gồm các đường cao tốc A6, A10 và A13.
Văn phòng của Thủ tướng Attal tuyên bố, ông sẽ có bài phát biểu giải quyết những lo lắng của nông dân vào khoảng 15h giờ GMT (22h giờ Việt Nam) hôm nay, tại một ngôi làng miền núi gần biên giới Tây Ban Nha, cách Paris khoảng 800km.
Để giảm bớt căng thẳng, các bộ trưởng tài chính và nông nghiệp Pháp đã thảo luận với các quan chức trong ngành công nghiệp thực phẩm về giá cả hợp lý cho nông sản, quan tâm số 1 đối với những người nông dân hiện nay.
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nói, vấn đề trọng tâm là doanh thu của nông dân. Ông cho biết thêm, chính phủ sẽ tăng gấp đôi việc thực thi luật nhằm đảm bảo giá cả công bằng cho nông dân.
Nông dân Pháp dùng máy kéo và lốp xe chặn các đường cao tốc quanh Paris. Ảnh: Reuters
Ông Le Maire trước đó đã dành nhiều tháng để gây áp lực buộc các đại gia thực phẩm như Carrefour và Danone phải hạ giá sau giai đoạn lạm phát cao, khiến người nông dân bất bình. Nhiều nông dân ở Pháp, nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) cho hay, họ đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhà bán lẻ phải giảm giá nông sản, đe dọa sinh kế của họ.
Trong tuyên bố mới nhất, ông Le Maire cam kết sẽ buộc các công ty thực phẩm và siêu thị giúp đảm bảo bồi thường tài chính thỏa đáng cho các nhà sản xuất nông nghiệp.
Các hiệp hội nông dân Pháp cũng kêu gọi biểu tình khắp toàn quốc trong 2 tuần qua nhằm phản đối mức thuế áp với nhiên liệu máy kéo, tình trạng thực phẩm nước ngoài nhập khẩu giá rẻ, khả năng tiếp cận nguồn nước hạn chế cũng như các vấn đề quan liêu quá mức và các quy định về môi trường.
Ngoài Pháp, các nước châu Âu khác như Đức và Ba Lan cũng chứng kiến các cuộc biểu tình của nông dân để bày tỏ sự phẫn nộ đối với mức sống đang sụt giảm.