Một hòn đảo chỉ xêm xêm về diện tích như Phú Quốc của Việt Nam, vậy mà Singapore, chỉ với từng đó năm đã khiến cả thế giới phải nhìn họ với sự ngưỡng mộ.

Nửa thế kỷ của Singapore 

Ngày 9/8, đảo quốc Singapore sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm Quốc khánh. Sự kiện đánh dấu một cột mốc cực kỳ quan trọng với đất nước và người dân Singapore. Họ rất kiêu hãnh trước thế giới khi hòn đảo này được tách ra khỏi Liên bang Malaysia (7/8/1965) để rồi phát triển như bây giờ.  

Sau khi tuyên bố độc lập, đồng nghĩa với việc phải tự lập, Singapore đã phải đối mặt với biết bao khó khăn trong giai đoạn này. Nào là nạn thất nghiệp, tình trạng thiếu nhà ở cho người dân, lại thiếu đất đai canh tác nên thiếu ăn và đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên gần như bằng không.  

Nhờ những chính sách cứng rắn nhưng hiệu quả, từ năm 1969 đến những năm 1990, Thủ tướng Lý Quang Diệu từng bước kiềm chế được nạn thất nghiệp, lạm phát triền miên, rồi tăng dần mức sống và thực hiện một chương trình nhà ở công cộng cho người lao động với quy mô lớn. Cơ sở hạ tầng kinh tế của đất nước được phát triển nhanh chóng. Mối đe dọa căng thẳng chủng tộc được loại bỏ và một hệ thống phòng vệ quốc gia được thiết lập.  

Singapore, từ một nước đang phát triển trở thành một nước phát triển vào cuối thế kỷ 20. Đó là một kỳ tích của thế giới loài người ở thế kỷ trước. Ông Lý Quang Diệu đã biến được điều "Không thể" thành "Có thể". Sự ra đi của ông hồi tháng 3/2015 khiến người dân Quốc đảo tiếc thương vô hạn. Cứ nhìn vào đám tang của ông, một Thủ tướng với trên 30 năm nắm quyền, đã nghỉ hưu hàng chục năm, mà người dân Singapore tiễn đưa như một huyền thoại đã nói lên tất cả. 

{keywords}
Năm nay Singapore kỷ niệm 50 năm quốc khánh

Với Việt Nam, ông là một người bạn lớn, chân thành và thẳng thắn đáng nể phục. "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng", câu châm ngôn đó tưởng cũng là lẽ thường ở đời. Song, với một nhà lãnh đạo đương thời với ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt của chúng ta lại hơi khác. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất tôn trọng Thủ tướng Singapore dù họ ở 2 khuynh hướng chính trị khác nhau.  

Có lần, tôi được cựu Bộ trưởng Công nghiệp, TS. Đặng Vũ Chư kể, trong nhiều chuyến công du nước ngoài, lần để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc có lẽ là lần tháp tùng Thủ tướng Thủ tướng Võ Văn Kiệt và chứng kiến cuộc đối thoại của nhà lãnh đạo quyết đoán, đầy sáng tạo, vì nước, vì dân của chúng ta với Thủ tướng Lý Quang Diệu.  

Hôm đó, ông Lý Quang Diệu nói đại ý rằng: Theo lý thuyết của các ông (ý nói các nhà lãnh đạo Việt Nam - TG), CNXH thắng CNTB là ở năng suất lao động. Mà năng suất lao động của các ông lại thấp hơn chúng tôi thì hỏi làm sao thắng được? Cái mà các ông gọi là phân phối theo lao động thì chúng tôi cho đó là bóc lột; còn cái mà các ông gọi là bóc lột thì chúng tôi cho đó là phân phối theo lao động. Muốn phát triển được đất nước, phải cho người dân được thật sự dân chủ, dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong xã hội. Ở đó, các thành phần kinh tế được tự do phát triển, bình đẳng trước pháp luật... 

Bộ trưởng Đặng Vũ Chư cho rằng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã là người tiên phong thức tỉnh chúng ta sau những lời nhận xét không hề xã giao hồi đó. Điều đáng trân trọng ở cả hai vị lãnh đạo cũng là ở đó!  

Còn ông Đặng Vũ Chư thổ lộ, chính ông cũng rất thấm thía điều này, bởi lâu nay, chúng ta cứ chìm đắm trong một xã hội duy ý chí, tưởng là hay mà hoá ra có những điều gì đó chưa thật ổn. Chỉ đến khi đất nước đi vào đoạn đường chông gai thì mới ngộ ra sự bất ổn đó. 

Từ “đảo quốc” nghĩ về “đảo ngọc” Việt Nam 

Hồi năm 2000, một tờ báo VN dẫn ý kiến từ các nhà dự báo kinh tế thế giới, cho rằng phải gần 160 năm nữa, VN mới đuổi kịp Singapore. Nhưng thử hỏi, cái mốc đó đâu cứ đứng yên một chỗ để ta đuổi kịp? Khi đó, nước bạn đã ở một tầm cao mới, rất khó dự đoán.  

Mới đây thôi, dự án với tên gọi "Smart Nation" (Quốc gia thông minh) lại một lần nữa khiến thế giới phải sửng sốt khi nhắc đến Singapore. Đó là sự thể hiện của một tầm nhìn dài hạn mà Thủ tướng Lý Hiển Long vạch ra cho đất nước ông trong những chặng đường tiếp theo. Nếu như dự án này được thực hiện, tôi đồ rằng chúng ta khó có thể nghĩ tới cái con số dự báo 160 năm kia (nghĩa là đến nay, năm 2015, sẽ còn 145 năm nữa).  

Khi nhắc đến Singapore, tôi hay có sự liên tưởng đến đảo ngọc Phú Quốc đầy tiềm năng. Đó là bởi, một hòn đảo chỉ xêm xêm về diện tích như Phú Quốc (593,05 km2) của Việt Nam, lại không có may mắn có hồ nước ngọt như Phú Quốc, vậy mà Singapore (712km2), chỉ với từng đó năm đã khiến cả thế giới phải nhìn họ với sự ngưỡng mộ và xem đó như một khuôn mẫu của sự phát triển cho một quốc gia bền vững.  

Tôi mới quay trở lại Phú Quốc cách đây ít ngày. Nếu so với cả chục năm trước, nơi đây tuy cũng đã có bước tiến bộ ít nhiều, nhất là hạ tầng giao thông. Song, tốc độ này xem ra vẫn còn rất chậm chạp, ngoài sự đầu tư khá hoành tráng vào một số ít khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của một số đại gia có tiềm lực.  

Phải chăng chúng ta cần có một cách nhìn mạnh mẽ hơn, một khi đã xác định và cho Phú Quốc một hướng phát triển mới theo cơ chế đặc thù, gọi là đặc khu kinh tế nhưng chịu sự quản lý nhà nước của tỉnh Kiên Giang. Cần có sự đầu tư trí tuệ ở tầm cao hơn trong khâu quy hoạch dài hạn ở đây.  

Được biết, ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178 phê duyệt đề án phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Chính phủ cũng đã đề xuất Bộ Chính trị thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc với cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để thu hút mạnh đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững. 

Tính đến nay, Phú Quốc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 164 dự án (21 dự án FDI), tổng vốn đầu tư 168.931 tỉ đồng.  

Tôi cũng mới đọc trên báo, thấy nhắc tới việc tỉnh Kiên Giang thông qua quy hoạch, dành 175 ha đất làm công viên. Nếu hôm nay chúng ta chủ quan, nhìn Phú Quốc còn quá hoang sơ mà không để ý chuyện này dành đất cho cảnh quan thiên nhiên, e sau này sẽ hối không kịp. Đây cũng là cách nhìn đáng ghi nhận của Kiên Giang về quy hoạch dài hơi. 

Cái gì hôm nay sắp làm hoặc định làm, nếu không phù hợp với tầm nhìn của quy hoạch cho một đặc khu kinh tế trong tương lai thì cũng rất nên dừng lại, tránh việc gây lãng phí và có thể gây khó khăn cho cái chung. Cần thiết, chúng ta có thể đầu tư mạnh hơn về tài chính cho khâu quy hoạch tổng thể.  

Chỉ có quy hoạch nghiêm túc, khoa học ngay từ rất sớm thì mới hy vọng khỏi mắc phải căn bệnh vừa làm đã phá, rất lãng phí về sau, tạo bệ đỡ cho Phú Quốc tăng tốc, với kỳ vọng trở thành, chẳng hạn "một Singapore trong lòng Việt Nam" trong tương lai? Nó có thể không phải là hiện thực của dăm, ba chục năm tới, nhưng hy vọng không đến mức như ai đó nhìn nhận, phải... 145 năm nữa mới hiện hữu ở Phú Quốc! 

Quốc Phong