Chứng khoán Mỹ bứt phá

Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 26/8 (rạng sáng 27/8 giờ Việt Nam) tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite dồn dập lập kỷ lục mới.

Chỉ số S&P 500 đêm qua (giờ Việt Nam) tăng thêm hơn 1% lên đỉnh cao mới: 3.478,73 điểm; trong khi đó chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng thêm hơn 1,7% lên 11.665,06 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones bỏ xa ngưỡng 28.000 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ của nước Mỹ tiếp tục tăng dữ dội và liên tục lập các mức giá cao mới.

Cổ phiếu của công ty phần mềm Salesforce đêm qua ghi nhận cú bứt phá kỷ lục, tăng 26% chỉ trong một phiên sau khi doanh nghiệp này công bố lợi nhuận cao đột biến. Salesforce sẽ được thêm vào thành phần của Dow Jones vào cuối tháng 8. Ngoài ra, các cổ phiếu công nghệ khác cũng ghi dấu ấn mới như: Amazon tăng gần 3%, Netflix tăng thêm 11,6%, Facebook tăng 8,2%, Alphabet tăng 2,4%, Microsoft tăng 2,2%, Apple tăng 1,4%,...

{keywords}

Ông Donald Trump được đánh giá cao về cách điều hành kinh tế.

Như vậy, hơn 5 tháng qua, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đã tăng thêm 75%, trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng gần 60%, giúp túi tiền của các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ phình nở ra thêm hàng chục nghìn tỷ USD.

Đây là những thông tin hết sức tích cực đối với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần, theo kế hoạch là ngày 3/11 tới.

Theo New York Times, ông Donald Trump vẫn được cử tri Mỹ đánh giá cao về việc điều hành kinh tế bất chấp nền kinh tế Mỹ khó khăn vì đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp lên mức 2 con số.

Ông Trump giữ được hình ảnh một doanh nhân thành công và nhà đàm phán cứng rắn. Những năm cầm quyền vừa qua, ông chủ Nhà Trắng có hàng loạt chính sách ấn tượng, mang lại luồng gió tươi mát cho nền kinh tế Mỹ. Các chính sách giảm thuế trong nước, tăng thuế nhập khẩu,... giúp các doanh nghiệp Mỹ bứt phá. Những cuộc tấn công liên tục nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc giúp thế giới nhận ra sức mạnh công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ.

Sự bứt phá của thị trường chứng khoán Mỹ là bằng chứng cho sự thành công của ông Trump.

Một số dự báo lo ngại chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh mạnh sau khi tăng vọt. Tuy nhiên, không ít người tin tưởng đà leo dốc còn tiếp tục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có dấu hiệu được khống chế, các nước bắt đầu có vaccine ngừa dịch và các số liệu công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ hồi phục khá mạnh.

{keywords}
Biến động chỉ số công nghệ Nasdaq Composite của Mỹ trong 6 tháng qua.

Donald Trump lợi thế trước cuộc bầu cử

Khu vực sản xuất của Mỹ đêm qua bất ngờ ghi nhận kết quả tích cực, cao hơn kỳ vọng. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ trong tháng 7 tăng thêm 11,2%, tương đương tăng thêm 23,2 tỷ USD so với mức tăng 7,7% trong tháng 6. Tốc độ tăng trong tháng 7 cao hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng 4,4% mà nhiều tổ chức dự tính.

Quan hệ Mỹ-Trung có dấu hiệu bớt căng thẳng sau khi Washington và Bắc Kinh có cuộc điện đàm vào đầu tuần, cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hàng lương thực thực phẩm từ Mỹ và các nước khác do lụt lội, mất mùa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra tuyên bố hy vọng về sự phát triển của vaccine Covid và việc phân phối vaccine trên toàn thế giới. WHO có sáng kiến hợp tác với các nhà sản xuất để cung cấp công bằng trên toàn thế giới đối với vaccine an toàn và hiệu quả, đã được cấp phép và phê duyệt.

Việc tiếp cận bình đẳng với vaccine được cho là chìa khóa để đánh bại virus và mở đường cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào Hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào cuối tuần này để tìm kiếm manh mối về chính sách tiền tệ của Mỹ.

{keywords}
Fed đang đồng hành với chính quyền ông Donald Trump trong cuộc chiến với đại dịch, phục hồi kinh tế Mỹ.

Theo CNBC, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ sử dụng một công cụ mới “thời kỳ hậu đại dịch” cho cuộc chiến kéo dài chống lại lạm phát thấp.

Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ thảo luận về một chính sách cho phép lạm phát biến động về cả hai phía so với một mục tiêu (như hiện tại là 2%), đồng nghĩa với việc lạm phát có thể tăng thêm để giúp nền kinh tế không bị kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp.

Đây đều là những tin tốt lành đến với ông Trump ở thời điểm nước rút trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần thứ hai. Ông Trump gần đây giành thêm tín nhiệm sau khi tạo ra thêm 9 triệu việc làm trong tháng 5, 6 và 7/2020, sau cú sốc mất hơn 20 triệu việc làm từ tháng 3-4/2020 vì đại dịch.

Lịch sử cho thấy, cử tri Mỹ coi trọng vấn đề kinh tế hơn nhiều so với các vấn đề khác khi quyết định bầu cho ứng cử viên nào. Theo NYT, điểm tín nhiệm của ông Trump giữ được ở mức cao chính vì cách xử lý các vấn đề kinh tế.

Một tín hiệu tốt lành khác đến với Đảng Cộng hòa Mỹ là nhiều dự báo cho thấy, dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 10 và bắt đầu từ đó nền kinh tế Mỹ sẽ được cải thiện mạnh mẽ hoặc đều đặn.

Cuộc chiến với Trung Quốc ở nhiều phương diện, từ thương mại, tiền tệ, công nghệ tới vốn được nhiều người đánh giá là hiệu quả và chính quyền ông Donald Trump mang về nhiều việc làm hơn cho người dân Mỹ.

M. Hà