Chuyện cái bao nylon không chỉ nằm ở chỗ khách đến rồi một ngày khách bỏ đi mà nó còn nói lên hình ảnh của doanh nghiệp, là sự tôn trọng thương hiệu của chính mình.

Ông bố dắt 2 cô con gái vào shop mua ít quần áo. Tính tiền xong, nhận hàng từ tay cô chủ Shop, định bước đi, chợt cô bé con thỏ thẻ:

- Cô ơi, Cô cho con xin thêm một cái bao nữa để con tách đồ của con và đồ chị Hai ra nhe Cô! Con cám ơn Cô.

Trên đường về, ông bố hỏi con gái:

- Sao con không để về nhà rồi con và chị Hai tách đồ ra cũng được?

- Ba biết tại sao không? Tại vì cái bao ở shop này đẹp quá đẹp Ba ơi. Xin thêm một cái thì hơi kỳ nên con phải nghĩ cách xin cô bán hàng như vậy đó!

Ông bố cười cười về cái suy nghĩ dễ thương, lém lỉnh của con. Chợt nhận ra người lớn cũng có khác trẻ con là mấy. Thấy mấy cái bao nylon đẹp đẹp cũng thích thích, thương thương. Nhớ mấy lần đi nước ngoài, sau một buổi ở Shopping Mall (trung tâm mua sắm) về, lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ mua sắm, bao này, bịch nọ. Xếp đồ vào vali rồi, mấy cái bao dư ra cả mớ vẫn cứ vuốt vuốt, xếp xếp, có bỏ thùng rác đâu, mang về nhà để đi đâu bỏ đồ xách theo cũng đẹp và lịch sự.

Vậy cho nên có hôm vợ vào spa mà tay xách túi thật sang của một hãng nước hoa khiến ai cũng dán mắt vào. Vợ mình lại đang quảng cáo không công cho hãng nước hoa ấy.

Mình cũng vậy chứ đâu xa. Đi đâu chơi, xách theo ít sữa cho tụi nhỏ, lại chọn một cái túi xách coi ngon ngon một tí. Túi đẹp thiệt. Mình nhìn còn thích, chả trách ở mấy trạm đèn xanh đèn đỏ, bao nhiêu cặp mắt dán vào cái túi in nhãn hiệu đồng hồ mang trên xe mình. Họ lại thêm được bao nhiêu khách.

{keywords}

Bao bì cũng là một phương thức đưa hình ảnh sản phẩm của mình vào lòng khách hàng. Ảnh minh họa

Nghĩ lại nhiều nhãn hiệu Việt Nam mình cẩu thả, xem nhẹ chuyện bao bì quá. Sao cũng được, quan trọng là thu tiền rồi có cái để bao bao, cột cột, dấm dúi đưa cho khách hàng xách đi là được rồi. Cứ mua bao xốp (nylon) cân ký cho nó lợi. Loại mỏng lại được nhiều. Có những nhãn hiệu không nên làm vậy. Khách về đến nhà, tính hỏi thêm gì, lật bao bì ra trống trơn - bao xốp mà, đâu ra địa chỉ, số điện thoại mà gọi!

Mà cũng không hẳn là không biết đâu. Có giám đốc nhãn hiệu, giám đốc marketing cả đấy chứ. Có những cái thật sự là vì buôn bán nhỏ, nhưng có những cái xuất phát từ cái gian, cái tham, cái thiếu kiên định của con người. Bao bì ban đầu đẹp, sắc sảo, dày. Rồi mỏng dần, mỏng đến lèo nhèo. Rồi đến đoạn sau - in ấn lem luốc, chữ đậu, chữ rớt, chữ bay. Mùi nhựa hôi hắc. Và kết cục là chuyển qua luôn bao xốp cân ký cho nó lợi, cho nó lời - khách hàng có rồi mà. Nhưng ai đoán trước được ngày nào họ bỏ đi?

Chuyện cái bao xốp không chỉ nằm ở chỗ khách đến rồi một ngày khách bỏ đi mà nó còn nói lên hình ảnh của doanh nghiệp, là sự tôn trọng thương hiệu của chính mình. Bao bì cũng là một phương thức đưa hình ảnh sản phẩm của mình vào lòng khách hàng. Nhiều nơi, sếp huyên thuyên lên lớp cho nội bộ nghe về ý nghĩa logo, slogan tâm đắc với những từ ngữ mỹ miều nhưng giấu nhẹm đâu đó, không mang ra ngoài đời cho thiên hạ ngắm. Đúng là có nhiều cách - dù nhỏ xíu - để làm cái to tát gọi là "Nâng niu thương hiệu Việt". Ấy vậy mà lúc làm chủ thế trận mấy cái bao bì thì đủng đa đủng đỉnh, không làm cho toàn tâm toàn ý; đợi đến lúc doanh nghiệp in ấn nước ngoài nhảy vào tìm cơ hội thì rộ lên câu chuyện thời sự - Lo cho bao bì Việt sắp sửa bị thâu tóm!

Những cái bao mà cả trẻ con và người lớn đều thích ấy - theo khách hàng về nhà, ở trong nhà người ta, rồi tuỳ thích, chủ mang nó ra chợ, mang vào phòng tập GYM, mang trên xe chạy đến trường, xách theo ít đồ vặt khi đi uống cà phê... Và cứ thế, nhãn hàng của bạn đã đi khắp mọi nơi, đến thêm với biết bao người tiêu dùng.

Trưa nay xếp lại ngăn tủ, Ba tình cờ nhìn thấy cái túi nylon đẹp thiệt đẹp mà trong đó Ba cẩn thận giữ lại những tranh tô màu và những trang tập viết chữ đầu tiên của con thời mẫu giáo, cả những tranh vẽ nguệch ngoạc con vẽ tặng Ba. Chừng như cái gì đẹp sẽ được để dành bao bọc cho những cái mình yêu quý nhất con ạ. Chợt gương mặt khi nảy của con hiện lên trước mặt ba, tiếng con rón rén: Cô ơi cho con xin thêm một cái bao nữa nhe Cô!

Xin giùm Ba thêm một cái nữa nhe - đựng tuổi thơ, đựng cả nụ cười con.

Phố tuệch toạc

Nắng nhạt

loan bài học i tờ

ngờ ngợ

trong nụ cười trẻ thơ

Vũ Minh Đức