Chốt phiên giao dịch ngày 10/11, chỉ số VN-Index giảm 38,35 điểm xuống 947,24 điểm. HNX-Index giảm 9 điểm xuống 192,39 điểm. Thanh khoản ở mức thấp, chưa tới 11.700 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó có 10.682 tỷ đồng trên HoSE.

Trên sàn HoSE, số lượng mã giảm giá gấp 20 lần số mã tăng, trong đó có 174 mã giảm sàn. Ba mươi cổ phiếu nhóm VN30 ghi nhận 29 mã giảm mạnh (trừ Sabeco đứng giá). Nhiều cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, vật liệu xây dựng… giảm hết biên độ cho phép với nhiều mã có dư bán sàn rất lớn, lên tới hàng chục triệu đơn vị.

Trong khi đó, chốt phiên sáng 10/11, chỉ số VN-Index giảm 30,64 điểm xuống 954,95 điểm. HNX-Index giảm 6,16 điểm xuống 195,23 điểm. Thanh khoản ở mức rất thấp, chưa tới 5.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó có 4.642 tỷ đồng trên HoSE.

Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến xấu theo thế giới và chịu ảnh hưởng của áp lực bán mạnh, trong khi dòng tiền vào vẫn khá eo hẹp.

Tính tới 10h20 sáng 10/11, chỉ số VN-Index giảm 18 điểm xuống dưới ngưỡng 970 điểm.

Đa số các cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 giảm mạnh, trong đó Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn và Phát Đạt (PDR) giảm hết biên độ cho phép và dư bán giá sàn rất lớn, tương ứng hơn 28,5 triệu đơn vị và hơn 53 triệu đơn vị.

Cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giảm mạnh, mất 1.300 đồng xuống 43.250 đồng/cp.

Các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán quay đầu giảm sau vài phiên là điểm hỗ trợ cho thị trường.

Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng đi xuống trong bối cảnh chưa có tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp bất động sản.

Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt giảm sàn phiên thứ 5 liên tiếp. Đây cũng là phiên giảm thứ 17 của cổ phiếu này. Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn tiếp tục giảm hết biên độ phiên thứ 6 liên tiếp. Cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC Corp. cũng giảm sàn.

Hầu hết các cổ phiếu bất động sản lớn khu vực phía Nam và phía Bắc đều đã giảm khoảng 50% trong vòng một năm qua. Cổ phiếu DIG thậm chí đã giảm 90% kể từ đầu năm 2022.

Hôm 8/11, một loạt doanh nghiệp bất động sản lớn khu vực phía Nam đã có cuộc họp cùng Chính Phủ và Bộ Xây dựng. Những cái tên có trong cuộc hộp gồm: Novaland, Him Lam, Hưng Thịnh, Becamex, Sơn Kim Land, DIC Corp., Khang Điền… Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng họp trực tuyến như Vingroup, Sungroup, Ecopark, Tuần Châu…

Sự trầm lắng và những khó khăn đối với thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng tới cổ phiếu nhiều ngành khác.

Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của chủ tịch Trần Đình Long tiếp tục giảm giá thêm 600 đồng xuống 12.400 đồng/cp. Cổ phiếu này đã giảm khoảng 72% kể từ đỉnh cao hơn 44.000 đồng/cp ghi nhận hồi tháng 10/2021 xuống mức đáy hơn 2 năm như hiện tại.

Với cú giảm điểm sáng 10/11, ông Trần Đình Long chính thức ra khỏi danh sách tỷ phú USD trong bảng xếp hạng của Forbes. Cụ thể, theo số liệu của Forbes ghi nhận vào sáng 10/11, ông Long có tài sản chỉ còn trị giá 985,9 triệu USD.

Ông Trần Đình Long mất danh hiệu tỷ phú USD theo số liệu Forbes cập nhập sáng 10/11.   

Như vậy, đây là lần thứ 3 ông Long rớt khỏi danh sách này sau khi lọt vào danh sách những tỷ phú USD trên thế giới của Forbes từ tháng 3/2018. Cụ thể, trong tháng 12/2018, ông Long có 2 lần rớt khỏi danh sách của Forbes, với tài sản sụt giảm khoảng 9.000 tỷ đồng. Khi đó, chỉ số VN-Index lập đỉnh hơn 1.200 điểm vào hôm 9/4/2018 và sau đó rớt về ngưỡng 900 điểm hồi cuối năm 2018.

Ông Long đã mất hơn 2,2 tỷ USD kể từ tháng 3/2022 tới nay.

Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn tính tới sáng 10/11 theo số liệu của Forbes có tài sản chỉ còn 1,1 tỷ USD, mất 1,8 tỷ USD so với hồi tháng 3/2022.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng mất 2,3 tỷ USD xuống còn 3,9 tỷ USD.