Mở cửa phiên giao dịch sáng 21/10, đa số cổ phiếu trụ cột giảm giá. Mức giảm giá gia tăng về cuối buổi, khiến VN-Index có lúc mất gần 30 điểm.

Tới cuối phiên sáng nay, chỉ số VN-Index giảm 25,1 điểm, xuống 1.033,35 điểm. HNX-Index giảm 2,35%. Thanh khoản tăng khá mạnh so với phiên trước, lên 6.925 tỷ đồng trên HoSE nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ sôi động.

Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục giảm mạnh sau khi một số doanh nghiệp trong ngành công bố lỗ trong quý III, đúng như dự báo “thê thảm” của tỷ phú Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Thị trường chứng khoán đón nhiều tin xấu trong nước và quốc tế. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tập đoàn Hòa Phát đến sáng 21/10 vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022, nhưng nhiều công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận của HPG sẽ sụt giảm. Chính ông Trần Đình Long, tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, đã cảnh báo về tìn hình “thê thảm” của doanh nghiệp khi mà ngành thép “đang không thuận lợi”.

Theo ông Long, ngành thép gặp khó khăn vào cuối năm do nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid" khiến nhu cầu thép giảm tại thị trường này suy giảm.

Cổ phiếu Hòa Phát cũng giảm mạnh sáng 21/10, mất khoảng 1.000 đồng/cp (khoảng -4%) xuống gần ngưỡng 17.000 đồng/cp. Tính từ đầu năm, cổ phiếu HPG đã giảm hơn 50%, từ mức 35.400 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống còn 17.000 đồng như gần cuối phiên sáng 21/10.

Theo Forbes, tính tới 20/10, tổng tài sản của tỷ phú Trần Đình Long còn 1,4 tỷ USD, giảm 1,8 tỷ USD so với đầu năm. Nếu tính thêm cả phiên giảm sáng 21/10, tài sản của ông Trần Đình Long giảm khoảng 1,9 tỷ USD.

Ngành thép gặp khó, ông Trần Đình Long ghi nhận tài sản bốc hơi nhanh. (Nguồn: Forbes)

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều thông tin không mấy tích cực trong và ngoài nước.

Trong nước, dòng tiền eo hẹp khiến sức cầu cổ phiếu ở mức thấp, trong khi áp lực bán ra nhiều phiên tăng mạnh theo các tin xấu trên thị trường. Giá cổ phiếu hồi thì ít, mà giảm nhiều hơn.

Triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cũng không mấy sáng sủa trong thời gian tới khi lãi suất tăng rất mạnh từ cuối tháng 9. Lãi suất huy động được nhiều ngân hàng nâng lên 8-9,5%/năm.

Tỷ giá USD/VND cũng rất nóng khi USD trên hệ thống ngân hàng tăng vọt, từ mức 24.000 đồng/USD hồi đầu năm lên 24.670 đồng/USD như hiện nay. USD trên thị trường tự do lên 25.100 đồng/USD.

Theo VNDirect, vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế quý III ở mức cao, nhưng đà tăng có thể chậm lại trong quý IV và năm 2023. Lạm phát có xu hướng gia tăng, với CPI tháng 9 tăng 3,9% so với cùng kỳ. Do sức ép của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50-100 điểm cơ bản trong 6 tháng tới.

Bên cạnh đó, tỷ giá có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong thời gian còn lại của năm 2022. NHNN đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, có hiệu lực từ ngày 17/10. 

Trên thế giới, chứng khoán Mỹ giảm hai phiên liên tiếp trong bối cảnh lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức đỉnh 4,239% hôm 20/10, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008. 

Nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới sụt giảm xuống đáy hàng chục năm so với USD. Yen Nhật hôm 20/10 rớt xuống đáy 33 năm. Giới đầu tư có xu hướng bán khống nhiều đồng tiền châu Á, trong đó có NDT Trung Quốc, rupee của Ấn Độ, ringgit của Malaysia…