Tổng thống Donald Trump hôm 8/5 tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân với Iran. Quyết định này làm tăng nguy cơ xung đột ở Trung Đông, khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ thất vọng và tạo nên sự bất an về cung cấp dầu thô toàn cầu.

 

Trong bài phát biểu được truyền trực tiếp từ Nhà Trắng, ông Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ tái áp đặt trừng phạt kinh tế lên Iran nhằm làm suy yếu thỏa thuận một bên kinh khủng mà đáng ra không bao giờ được ký, Reuters đưa tin.

{keywords}
 

Thỏa thuận năm 2015, do Mỹ và 5 cường quốc khác ký kết với Iran, đã dỡ bỏ các trừng phạt với quốc gia Trung Đông này để đổi lại Tehran sẽ giới hạn chương trình hạt nhân. Bản giao kèo được thiết kế để ngăn Iran sở hữu một quả bom hạt nhân.

Tổng thống Donald Trump phàn nàn rằng bản thỏa thuận này không giải quyết được chương trình tên lửa đạn đạo, các hoạt động hạt nhân của Iran ngoài năm 2025 hoặc vai trò của nước này trong các cuộc xung đột tại Yemen và Syria. Trong khi đó, bản giao kèo với Iran này lại được coi là thành công về chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump.

Đáp lại tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Tehran vẫn tiếp tục tham gia thỏa thuận dù không có Mỹ. Đài truyền hình quốc gia Iran gọi quyết định rút của ông Trump là "bất hợp pháp, không chính đáng và làm suy yếu các thỏa thuận quốc tế".

{keywords}
Tuyên bố của ông Trump về Iran khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ thất vọng 

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các lệnh trừng phạt liên quan tới các ngành năng lượng, tài chính và ô tô Iran sẽ được tái áp dụng trong 3 tới 6 tháng.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà Tổng thống Mỹ vừa tuyên bố đã khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ như Anh, Pháp và Đức thất vọng. Các nước này cũng tham gia thỏa thuận và từng cố gắng thuyết phục ông Trump tôn trọng nó. Trung Quốc và Nga cũng tham gia ký thỏa thuận hạt nhân này với Iran.

Lãnh đạo Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung rằng quyết định của Tổng thống Mỹ là "đáng tiếc và đáng lo". Ba nước kêu gọi Mỹ không cản trở các nước còn lại trong thỏa thuận vì họ vẫn muốn tiếp tục các điều khoản ban đầu của thỏa thuận. Anh, Pháp và Đức cũng kêu gọi Iran kiềm chế trước quyết định của Mỹ.

Hoài Linh

Iran và 6 cường quốc đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Iran và 6 cường quốc đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử

 Một thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy nới lỏng cấm vận vừa ra đời sau các cuộc hội đàm ở Vienna.

Tại sao Iran ký thỏa thuận hạt nhân?

Tại sao Iran ký thỏa thuận hạt nhân?

Các cuộc hội đàm hạt nhân của nhóm P5+1 gồm Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức - trong tuần qua ở Geneva đã cho kết quả khiến Iran hài lòng.