Sáng 16/1, tại TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì và chỉ đạo “Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cùng chủ trì còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái…
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, với tính chất, vị trí, tầm quan trọng của TP.HCM, những năm qua, Bộ Chính trị luôn quan tâm, có nhiều nghị quyết về phát triển thành phố.
Trên cơ sở đó, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý, một vấn đề rất quan trọng trong Nghị quyết 31 là có đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, trong đó nêu “tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp…”.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận một cách nghiêm túc để có giải pháp khắc phục.
Theo ông Võ Văn Thưởng, ngày xưa, nói đến năng động, sáng tạo, nói đến đi đầu là phải nhắc đến TP.HCM. Nhưng nhìn lại mấy năm vừa qua, đều thấy rõ chiều hướng sụt giảm. Năng động sáng tạo không bằng các địa phương khác, tốc độ phát triển cũng chậm...
Dù TP.HCM vẫn đang là đầu tàu kinh tế, nhưng quy mô đầu tàu bắt đầu giảm. Theo ông Võ Văn Thưởng, nhìn vào số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thì thấy rõ chiều hướng giảm sút.
Cụ thể, năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 16, năm 2013 đến 2015 số liệu phát triển có tăng lên; đến năm 2016 bắt đầu chững lại và thời kỳ từ năm 2017 -2020 giảm sâu.
“Tôi thấy đánh giá trên đối với TP.HCM rất đúng và chính xác. Nếu chúng ta nghiêm khắc nhìn nhận thì thấy “rất là đau”. Bởi vì, TP.HCM nơi được coi là đầu tàu năng động, sáng tạo nhưng bây giờ được đánh giá là có chiều hướng suy giảm”, ông Võ Văn Thưởng bày tỏ.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Đảng bộ TP.HCM cần phải sinh hoạt chính trị để làm rõ câu chuyện nêu trên.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để TP.HCM cụ thể hóa các chính sách vượt trội trong Nghị quyết 31, đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Nghị quyết đặc thù mới phải cụ thể
Nói thêm về cơ chế thí điểm các chính sách vượt trội khi xây dựng Nghị quyết đặc thù thay thế Nghị quyết 54, Thường trực Ban Bí thư cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý với chủ trương này, nên cần làm sớm, làm nhanh để Quốc hội thông qua kỳ họp vào tháng 5 tới.
“Chúng ta mong muốn khi thông qua thì nghị quyết phải có nội dung thực, hàm lượng thực chất chứ không phải là một văn bản mang tính tư tưởng, chính trị, động viên…”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo ông, nếu không đi vào thực chất thì rất khó thực hiện. Do đó, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu khi xây dựng nghị quyết mới, TP.HCM phải chọn lựa vấn đề và đề xuất cụ thể, không chung chung. Xác định được các chính sách vượt trội để thí điểm, quyết tâm thực hiện.
Ông Võ Văn Thưởng cũng lưu ý, TP.HCM đã được Trung ương chọn thí điểm “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, nên cần sớm xây dựng cơ chế để cụ thể hóa chủ trương này bởi vì “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm” là cốt cách, bản lĩnh của Đảng bộ và Nhân dân TP.HCM.