Theo Guardian, trong ngày 20/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt tại Hiroshima (Nhật Bản) để tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7. Ngay sau khi hạ cánh, ông Zelensky đã có các cuộc trò chuyện ngắn với Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Italia Giorgia Meloni.

"Vấn đề tăng cường hợp tác an ninh sẽ được thảo luận cùng các đối tác quan trọng của Ukraine. Hòa bình sẽ tới gần hơn", ông Zelensky viết trên Twitter sau khi tới Hiroshima.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: AP

Theo tiết lộ của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ gặp trực tiếp ông Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh. Hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ thảo luận kỹ hơn về việc chuyển giao tiêm kích F-16 cho Kiev.

Trong tuyên bố chung được đưa ra ngày 20/5, lãnh đạo các nước G7 đã khẳng định "sự ủng hộ dành cho Ukraine sẽ không thay đổi".

Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine nhận được F-16

Theo TASS, trong ngày 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã cảnh báo các nước phương Tây về "những nguy cơ khủng khiếp" nếu viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine.

"Chúng tôi nhận thấy rằng các nước phương Tây vẫn đang muốn làm tình hình leo thang. Nó chỉ mang lại những nguy cơ khủng khiếp cho chính họ. Moscow đã lên kế hoạch cho mọi tình huống, và chúng tôi có đủ phương tiện cần thiết để đạt được những mục tiêu đã đề ra", ông Grushko nói.

Tiêm kích F-16. Ảnh: AP

Bình luận của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Biden tuyên bố ủng hộ việc cung cấp F-16 và các loại chiến cơ thế hệ 4 cho Kiev. Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh sẽ tổ chức các chương trình đào tạo để giúp phi công Ukraine nhanh chóng làm chủ các máy bay này.

Nga thông báo về tình trạng đàm phán chấm dứt xung đột

Theo TASS, trong ngày 20/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine là không cần thiết ở thời điểm này.

"Không thể tham gia các cuộc đàm phán với một quốc gia bị chi phối từ bên ngoài. Các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra với 'các ông chủ', hay cụ thể là Washington. Ngoài họ ra, không cần phải đàm phán với một bên nào khác", ông Medvedev nói.

Cũng theo ông Medvedev, các cuộc đàm phán dường như chỉ xoay quanh những vấn đề "hậu xung đột", nhưng còn quá sớm để nói về điều này.