Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra năm 2022 vào ngày 10/1, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng.

"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai"

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, trong thành tích chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của công tác kiểm tra đảng và ngành Kiểm tra. 

Khái quát lại các kết quả nổi bật của ngành, ông Võ Văn Thưởng cho biết, nhiều vụ việc vi phạm mới được phát hiện kiểm tra xử lý kịp thời, nhiều vụ việc khó, phức tạp, tồn đọng nhiều năm được kiểm tra xử lý dứt điểm. 

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: VOV

Sau kiểm tra, đã xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, kịp thời các tập thể, cá nhân vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Qua kiểm tra đã chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm, thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, cán bộ đương chức, nghỉ hưu; thực hiện đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".

Thường trực Ban Bí thư đánh giá, đội ngũ cán bộ kiểm tra ngày càng trưởng thành, bản lĩnh vững vàng, tính chiến đấu cao, phương pháp công tác khoa học, nhiệt tình, tận tụy, có đạo đức nghề nghiệp; năng lực, trình độ, kinh nghiệm được nâng lên. Uy tín, vị thế của ngành Kiểm tra ngày càng được nâng cao. 

Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã đạt được trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý, còn có những hạn chế, thiếu sót như vẫn còn tình trạng kiểm tra, giám sát mang tính hình thức, chưa quyết liệt, còn nể nang, né tránh, đùn đẩy, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp uỷ và ủy ban kiểm tra cấp trên; công tác phát hiện các vấn đề, đối tượng kiểm tra vẫn chưa chủ động.

Một số tổ chức đảng chậm khắc phục vi phạm, khuyết điểm đã chỉ ra trong kết luận kiểm tra, giám sát, thậm chí tiếp tục tái phạm, phải xử lý kỷ luật...

Tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống

Về nhiệm vụ năm 2023, Thường trực Ban Bí thư đúc kết, bài học trong hai nhiệm kỳ qua cho thấy, ở đâu người đứng đầu quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, định hướng cho công tác kiểm tra thì ở đó công tác kiểm tra, giám sát chuyển biến mạnh; khuyết điểm, vi phạm ít đi.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đến việc tiếp tục quán triệt phương châm giám sát phải mở rộng để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa xảy ra vi phạm từ sớm, không để khuyết điểm, vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng, dẫn đến vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật...

Đồng thời, thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát, chú trọng những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, những nơi có nhiều vụ, việc khiếu kiện, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Ông cũng yêu cầu tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm; thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Thường trực Ban Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, phải tập trung kiểm tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC... 

Ông cũng lưu ý, hoàn hiện cơ chế kiểm tra, giám sát để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, ràng buộc bằng trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. 

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cùng với đó là tham mưu, đề xuất giải pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý phù hợp với tình hình.

"Từ đánh giá tình hình vi phạm của cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phối hợp với các cơ quan liên quan, kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị phương hướng xử lý đối với từng loại vi phạm, bảo đảm khách quan, công tâm", ông Võ Văn Thưởng dẫn chứng.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị phải tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, trung thành, trung thực, khiêm tốn, có năng lực,… 

Đặc biệt là cán bộ kiểm tra phải thật sự liêm chính, trong sạch, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào; phải là hiện thân của kỷ luật đảng nghiêm minh, của tinh thần nhân văn của một Đảng là đạo đức, là văn minh. 

Ông Võ Văn Thưởng cũng đề cập đến việc tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp để góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ kiểm tra. 

Bên cạnh đó, phải hết sức coi trọng việc kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, bảo đảm mỗi quyết định của Ủy ban Kiểm tra luôn khách quan, chính xác, có lý, có tình, là quyết định của lẽ phải, của trách nhiệm và tình đồng chí, của “công lý” trong Đảng.

Trong năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 44 tổ chức đảng, 180 đảng viên; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 21 tổ chức đảng và 40 đảng viên; yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới kỷ luật 69 tổ chức đảng và 185 đảng viên.

Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức đảng (tăng 83,86% so với năm 2021); thi hành kỷ luật 16.202 đảng viên (giảm 3,53% so với năm 2021), có 2.902 cấp ủy viên. 

Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 4 đảng viên; Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 43 đảng viên; có 10 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật.