Cải cách tư pháp phải đồng hành, thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp thứ 3 - Ảnh: VGP/LS

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả công tác năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023 và dự thảo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, nêu rõ những ưu điểm, kết quả công tác nổi bật và đề xuất phương hướng triển khai thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ban Nội chính Trung ương đã chuẩn bị dự thảo báo cáo kết quả công tác năm 2022 với nhiều thông tin, dữ liệu phong phú và đề ra phương hướng triển khai trong năm 2023 có tính khả thi cao; ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, sôi nổi của các đại biểu dự họp.

Chủ tịch nước nhấn mạnh sự chủ động, tích cực và những kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo. Các nhiệm vụ tư pháp, cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục được quán triệt, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả. 

Theo đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp trong năm 2022 tiếp tục được nâng cao: Vi phạm pháp luật trong điều tra giảm; tỉ lệ các bản án, quyết định của tòa án các cấp bị hủy, sửa chỉ 0,9% so với yêu cầu của Quốc hội là không vượt quá 1,5%; chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội trong xét xử các vụ án hình sự; kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt gần 16.000 tỷ đồng (tăng 290,51% về tiền so với năm 2021); số vụ án xét xử trực tuyến đạt 3.614 vụ, góp phần giúp người dân giảm chi phí đi lại và thời gian đến phiên tòa…

Ban Chỉ đạo cũng chỉ đạo tích cực nghiên cứu, xây dựng một số đề án, báo cáo quan trọng, trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến để triển khai thực hiện về xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật; về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên…

Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh cao Ban Nội Chính Trung ương, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã tập trung hoàn thành 10 chuyên đề quan trọng của Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 27-NQ/TW "về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" đã được Trung ương ban hành ngày 9/11/2022.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, Nghị quyết đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao, nghiên cứu kỹ lưỡng, kiên trì thực hiện và quan trọng nhất là phải vượt qua rào cản lợi ích ngành mới đạt được mục tiêu đề ra, tập trung triển khai thực hiện nghị quyết bài bản, hiệu quả, trong đó có vai trò quan trọng của các ngành trong khối tư pháp và Ban Nội chính Trung ương.

Cải cách tư pháp phải đồng hành, thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 2.

Chủ tịch nước: Công tác cải cách tư pháp phải đồng hành và thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP/LS

Nhất trí với chương trình công tác và các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo trong năm 2023, Chủ tịch nước đề nghị bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên theo ngành, lĩnh vực được phân công, các thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chủ động xây dựng kế hoạch, đề án để thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết 27 bởi đây là một trong những công việc quan trọng của năm đầu tiên triển khai Nghị quyết. 

Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, trong cải cách tư pháp liên quan đến Nghị quyết 27 có ba vấn đề cơ bản cần đạt được sự thống nhất, đồng thuận là giải quyết các vấn đề cải cách tư pháp trong một hệ thống chỉnh thể cả về thiết chế lẫn thể chế để đánh giá dữ liệu đầy đủ, tác động của chúng đối với toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là đối với nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước rất đặc thù ở Việt Nam, đó là vai trò lãnh đạo cầm quyền toàn diện, tuyệt đối của Đảng ta; phải tính toán thật kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện bảo đảm chín muồi để thực hiện các chủ trương, chính sách đó cả về lý luận, nhận thức, khung khổ pháp lý, năng lực tổ chức thực hiện và điều kiện cơ sở vật chất, cùng với đó cần loại bỏ vấn đề lợi ích ngành.

Chủ tịch nước lưu ý cần triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trọng tâm của công tác cải cách tư pháp năm 2023 là khắc phục cho được những khó khăn, vướng mắc, các rào cản để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động hệ thống các cơ quan tư pháp, chủ động thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực để đề phòng các tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án; phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030 hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác cải cách tư pháp phải đồng hành và thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cơ quan tư pháp chú trọng kiểm soát quyền lực; Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu những ý kiến đóng góp tại phiên họp về một số vấn đề trong thực thi pháp luật, giải quyết vụ án hành chính, dân sự, hình sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh hiện nay.

Đánh giá cao những nỗ lực thời gian qua, Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục chủ động, nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương để triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong năm 2023 và thời gian tới.

Theo VGP