Theo đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả khả quan.
Diện mạo nông thôn có bước chuyển biến rõ rệt; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần, trình độ dân trí của người dân được nâng lên.
Theo thông kê, Kon Tum có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 18 thôn tại các huyện biên giới đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo bộ tiêu chí.
Tuy nhiên, kết quả xây dựng nông thôn mới tại Kon Tum chưa đồng đều giữa các thôn, nhất là tại các thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan, môi trường chưa đồng bộ; việc hình thành các điểm dân cư còn mang tính tự phát; đời sống vật chất và tinh thần của người dân một số vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn cao trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Để tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng các thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển đồng bộ và bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa và phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo mỗi thôn có bản sắc đặc trưng riêng, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng ở nơi có điều kiện. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm.
Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", gắn với thực hiện phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và cuộc sống của các hộ gia đình nghèo để vươn lên khá giả; từ bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, xây dựng cảnh quan môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư...
Đặc biệt, tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng thôn nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Văn Điệp, Tuấn Anh, Tuấn Kiệt, Bảo Phùng, Hà Sơn