Trời ạ, đến vừa phát hoảng lẫn phát khóc ở hội chợ La Vang, khi thấy những bà bán rau, bán cá (để lấy tiền ủng hộ nhà thờ), khê khê cái giọng nhà quê mời chào nào có khác gì ở chợ đường cái gần Hà Nội?

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Phần 2 bài viết ghi lại những cảm nhận cá nhân của tác giả Vũ Cao Phan trong một lần đến nước Mỹ.

>> Xem lại Kỳ 1: Gặp người Việt thành công vang dội tại Mỹ

Không dễ trả lời câu hỏi: Điều gì là bất cập, điều gì phải mau chóng sửa đổi, mau chóng xóa bỏ trong nền chính trị Mỹ hiện nay? Bạn sẽ bảo đó là chế độ tư bản, nguồn gốc của mọi tội ác đúng không? Tùy bạn, nhưng người Mỹ không nói như vậy. Họ biết thể hiện quan điểm qua lá phiếu. Vậy nên nhiều người lúng túng khi tôi nêu câu hỏi này.

Nhưng sau một hồi suy nghĩ, khá nhiều người, cả người Mỹ gốc lẫn người Mỹ mới, cho rằng nước Mỹ quá tự do – thì Mỹ chẳng vẫn nhận mình là quê hương của “thế giới tự do” là gì – có vẻ tự do đã gần gần ngoài tầm kiểm soát. Lợi hay hại? Thử đưa ra vài “ mắt thấy tai nghe”.

Một, ở San Francisco, gần ngay chỗ tôi ở, một lá “cờ hoa” được làm cho rách nát tả tơi còn hơn cả một bãi rác, cắm trước một căn nhà cổng cửa mở toang. Chẳng ai can thiệp, kể ca chính quyền.

Hai, trên một quảng trường ở Seattle tình cờ tôi thấy một công dân da đen đăng đàn công kích chính sách của Tổng thống Obama, thoá mạ cả cá nhân Tổng thống, thỉnh thoảng lại thõng thượt ngồi xuống chiêu nước và nhai kẹo cao su. Chẳng ai dừng nghe, cũng chẳng ai hỏi đến, chỉ có một người ngang qua đặt dưới chân “diễn giả” hình như là đôi chiếc hot dog. 

Ba, trên một con đường cao tốc phụ cận Houston, chẳng rõ nguyên nhân gì, bất ngờ một chiếc xe vượt lên chắn đường một chiếc xe khác, người trong xe bước ra, rút súng (đây là xứ cao bồi Texas mà, chưa nói ở Mỹ ai cũng có quyền sở hữu súng) bắn thủng cả bốn lốp chiếc xe kia rồi ung dung bước lên xe mình lái đi. Cái ví dụ sau cùng cho thấy sự quá trớn của tự do. Nhưng có lẽ chừng nào nó chưa là vấn đề của an ninh quốc gia, chưa đưa đến một cái giá không thể chấp nhận được thì sẽ chưa có được sự phê phán thật rộng rãi và nghiêm khắc của toàn xã hội, cũng như chưa thể thúc đẩy hai đảng nghiêm túc ngồi lại với nhau trong Nghị viện để đưa ra những điều khoản chế tài. 

{keywords}
Tại Miami. Ảnh: Thu Hà

Mặc dù vậy, nước Mỹ vẫn tiến lên trong thể chế của mình. Kinh tế nước này đang đà hồi phục mạnh vượt lên các nước phát triển khác; tỉ lệ thất nghiệp được cho là ở mức thấp nhất trong vòng sáu năm. Mùa bầu cử giữa kì (mid – term) bắt đầu khi tôi đang ở đó và kết thúc khi tôi đã trở về Việt Nam.  

Người Việt ở Mỹ đã tham gia vào đời sống chính trị của xứ sở này như thế nào. Về điều này, nhiều người bảo đã khác mươi, mười lăm năm trước nhiều lắm. Mọi vấn đề của quốc gia đều liên quan đến mình, khi đã ý thức được quyền công dân, khi đã có sự hội nhập ngày càng sâu vào xã hội Mỹ. Nhưng có vẻ như mèo nhỏ chỉ quen bắt chuột bé rất kiểu người xứ ta, cử tri gốc Việt chú ý nhiều hơn đến cuộc bầu cử cấp tiểu bang vì những liên quan thiết thân.

***

Từ điển Webster nổi tiếng của Mỹ vừa thông báo sẽ cập nhật 150 từ mục mới, trong đó có “ pho” (phở). Phải ghi nhận trước hết công lao của người Việt ở đây đã khiến món ăn này trở thành khoái khẩu nơi xứ người. Nhưng cũng phải ghi nhận là tôi đã cố gắng nhưng chưa tìm ra một quán phở như ý, kể cả nơi thủ phủ Bolsa, dẫu đã thử qua nhiều tiệm.

Quan hệ thương mại Việt – Mỹ tăng tốc ấn tượng qua chỉ số kim ngạch buôn bán hai chiều hàng năm, mà Mỹ nhập nhiều hơn xuất, nhưng khá lạ là rất ít hàng Việt được bán ở đây. Món cafe mà Việt Nam bảo đứng nhất nhì thế giới cũng không có mặt.

Đừng nói chế biến sâu làm tăng giá trị (kiểu như quảng cáo ở nhà về thứ café chuyên cho não sáng tạo (!) ấy à?), nội chế biến “nông”, đem nguyên hạt rang lên mà bán cũng chẳng thấy đâu. Mà thứ này trong các siêu thị đến từ hàng chục quốc gia chứ đâu có ít (châu Á có Indonesia ), đủ mọi màu sắc từ đen cháy classic french đến nâu nhạt carmenlita, đủ mọi hương vị từ thuần đến loại thêm coca hay trà... Không có Việt Nam chen chân. Đành nghĩ rằng Việt Nam chỉ có khả năng thu hái xong đóng bao xuất thô nguyên hạt để cuối cùng mang thương hiệu kẻ khác? 

Tôi nghĩ các hội đoàn Việt ở đây nên tích cực góp phần quảng bá hàng Việt hơn nữa, có thể coi đó như là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng. Như về ẩm thực thôi, nếu ta lập được những hội đồng trông coi riêng việc này thì quá tốt.  

{keywords}
Con đường tại Washington DC. Ảnh: Thu Hà

Món ăn Việt được ngợi ca ở những tiêu chí của ẩm thực hiện đại: bắt mắt, ít dầu mỡ, và đặc biệt là tươi xanh (người Hoa cũng thích thú ở điểm này mà họ gọi là qing dan, không đồng nghĩa hoàn toàn với từ thanh đạm trong tiếng Việt), vậy tại sao ta không nhấn mạnh nó? Và cũng nên giữ lấy cách chế biến, nguyên liệu và gia vị truyền thống, như người Hàn, người Nhật ở đây làm với món kim chi của mình, chứ phở, mì Quảng, bún bò Huế... đã có vẻ khác xa gốc của nó rồi.

***

Người Việt ở đây là người Việt Nam hay người Mỹ, hoặc giả bao nhiêu phần trăm này và bao nhiêu phần trăm kia? Nếu có một câu hỏi như vậy thì tôi nghĩ bài viết này có lẽ cũng trả được phần nào.  

Cuối năm, mùa của lễ hội. Người Việt vừa huyên náo cùng dân Mỹ trong hội hóa trang Halloween, quay sang đã thấy lễ Tạ ơn đến gần và đâu còn xa nữa, mùa Noel. Nhưng vẫn nghe họ hỏi nhau: “Tết này, bác về Việt Nam cả nhà à?”, “Anh chị định ở lại bao lâu?”… Và vẫn kịp tổ chức trong cộng đồng những lễ hội riêng như hội chợ La Vang đầy màu sắc ở Houston. Tôi có đọc được một vài bài viết liên quan đến đề tài này, những gì là hằng tính Việt, những gì là cộng đồng Việt hải ngoại. Có bài kém, có bài được, cả về lập lý lẫn chữ nghĩa văn chương.  

Gần bốn chục năm rồi, cũng nên nói về chuyện này một cách cởi mở hơn. Những năm cuối của thế kỉ trước, ý kiến vẫn còn đối nghịch: phủ định hay khẳng định? Mất hay được, ai mất ai được? 

Trước năm 1975, người Việt định cư ở nước ngoài chỉ đếm đến con số vài chục ngàn. Sau 1975 tăng nhanh dần lên, bây giờ đã là dăm ba triệu người. Nhờ một phần ở cộng đồng này, ta thấy thế giới xích lại gần hơn. Nhờ một phần ở cộng đồng này, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.  

Cộng đồng Việt ở Mỹ là cộng đồng trẻ. Trẻ nghĩa là đang tràn năng lượng, sung sức. Nếu hiểu khái niệm cộng đồng không chỉ là một tập hợp - tập hợp theo nghĩa đen và nghĩa rộng – mà còn là một kết dính thì người Việt ở nước ngoài có lẽ chẳng kém người Trung Hoa, hơn cả người Hàn, người Nhật, người Ấn, người Philippines…, những dân tộc châu Á khác. Còn hơn cả người Trung Hoa, sự kết dính này luôn làm dậy sóng lòng họ trước mỗi biến động của tình hình trong nước. Còn hơn cả người Philippines, khi số tiền mà họ ki cóp tiết kiệm hàng năm gởi về giúp người thân chẳng kém bao nhiêu số tiền người Phi ở nước ngoài đông gấp ba lần họ (13 triệu người) gởi về.  

Sự kết dính đã làm mờ đi khái niệm tha hương, điều dễ tạo nên mặc cảm nơi người xa xứ. Trời ạ, đến vừa phát hoảng lẫn phát khóc ở hội chợ La Vang, khi thấy những bà bán rau, bán cá (để lấy tiền ủng hộ nhà thờ), áo cánh đụp hai ba chiếc cho đỡ lạnh, mẹt rau chậu cá bày bên đường, khê khê cái giọng nhà quê mời chào nào có khác gì ở chợ đường cái gần Hà Nội? 

Vũ Cao Phan