Phạt 3 nhà mạng vi phạm về quản lý thuê bao di động trả trước 309 triệu đồng |
Cuối năm 2018, Bộ TT&TT đã ra quyết định thanh tra việc thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước của Viettel. Ngày 22/2/2019, Thanh tra của Bộ TT&TT đã công bố kết luận thanh tra Viettel.
Theo kết luận của Thanh tra, Tập đoàn Viettel đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý đăng ký thông tin thuê bao di động có đầy đủ các trường thông tin theo quy định và ban hành các công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 49/2017/NĐ-CP về thủ tục hòa mạng thuê bao di động, quy trình tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, hướng dẫn triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của Viettel cho thấy có một số thuê bao có thông tin không đúng như ảnh chứng minh nhân dân, thẻ căn cước là ảnh chụp thẻ mẫu, không phải là ảnh chụp từ giấy tờ thật hoặc thông tin trên cơ sở dữ liệu khác với thông tin trên bản chụp. Ngoài ra, một số thuê bao có ảnh chụp thiếu nghiêm túc như cởi trần, không mặc áo.
Kiểm tra trong cơ sở dữ liệu cho thấy từ ngày 24/4/2017-11/2018 có 122.006 thuê bao được cập nhật thông tin vào ban đêm, theo Tập đoàn Viettel giải thích, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với khách hàng được thực hiện vào ban ngày, nhân viên Viettel giao SIM trắng cho khách hàng, ban đêm mới cập nhật vào cơ sở dữ liệu, sau thời điểm thông tin thuê bao được cập nhật đầy đủ vào hệ thống của doanh nghiệp thì SIM mới có thể sử dụng được.
Kết luận Thanh tra cho hay, từ ngày 24/4/2017-23/7/2018 có 1.136.143 thuê bao không có ảnh chụp. Thanh tra cho rằng, việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho 7 thuê bao có chứng minh nhân dân, căn cước công dân không đúng quy định, họ và tên trong chứng minh nhân dân khác với họ và tên trong cơ sở dữ liệu, Tập đoàn Viettel đã không thực hiện đúng quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 49/NĐ-CP/2017 và bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định này.
Đến tháng 9/2018, Viettel đã triển khai 36,9 nghìn điểm cung cấp dịch vụ viễn thông bao gồm 1.617 điểm có địa chỉ xác định của Tập đoàn, 29,8 nghìn điểm lưu động, 5.483 điểm ủy quyền. Chi nhánh Viettel các tỉnh thành đã ký Hợp đồng cộng tác viên hợp tác với các cá nhân bên ngoài, theo nội dung hợp đồng, các cá nhân này được cấp tài khoản để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao của khách hàng. Việc ký 29,8 nghìn hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân (không phải là nhân viên của Viettel) để đăng ký thông tin thuê bao, Tập đoàn Viettel đã triển khai 29,8 nghìn điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động không đúng quy định và chấp nhận thông tin thuê bao từ các điểm này là không thực hiện đúng điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP và bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 2 Nghị định này.
Từ ngày 24/4/2017 đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng để sử dụng SIM di động của Viettel với số lượng rất lớn. Cách thức đăng ký thông tin của một số doanh nghiệp này như sau: Doanh nghiệp làm giấy ủy quyền cho các cá nhân (không rõ có phải là nhân viên của công ty hay không) thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động. Mỗi cá nhân này thực hiện ký hợp đồng rất nhiều lần (tần suất cách nhau một vài ba ngày) với Viettel để sử dụng SIM thuê bao, số lượng mỗi lần từ 50 -300 SIM, chi tiết tại Phụ lục 5. Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Mộc Hương, địa chỉ 23B Ngõ 278 Thái Hà, Trung Liệt Đống Đa Hà Nội, Giám đốc là Trần Thị Minh Hương thực hiện giao kết hợp đồng với Tập đoàn Viettel như sau: Ngày 22/7/2018, Công ty Mộc Hương ủy quyền cho Bùi Thúy Hằng thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng 200 SIM điện thoại, tuy nhiên toàn bộ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu như Hợp đồng, giấy đăng ký kinh doanh, giấy ủy quyền cho nhân viên đăng ký thông tin lại là của Công ty TNHH liên kết dịch vụ nhà hàng. Ngày 16/8/2018, Công ty Mộc Hương ủy quyền cho Đoàn Thị Tuyết thực hiện giao kết hợp đồng sử dụng 100 SIM điện thoại, tuy nhiên toàn bộ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu như giấy ủy quyền, thẻ căn cước công dân lại mang tên Phạm Thị Phương Dung.
Kết luận Thanh cho cho hay, việc sử dụng giấy tờ (giấy đăng ký kinh doanh, thẻ căn cước, hợp đồng) của doanh nghiệp này để giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp khác, Tập đoàn Viettel đã không thực hiện đúng khoản 6 Điều 1 Nghị định số 49/NĐ-CP/2017 và bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định này.
Với những sai phạm trên, Thanh tra Bộ TT&TT đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Viettel 9 triệu đồng đối với hành vi giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với 9 chủ thuê bao có chứng minh nhân dân, căn cước công dân không đúng quy định (là ảnh chụp thẻ mẫu), họ và tên trong chứng minh nhân dân khác với họ và tên trong cơ sở dữ liệu; sử dụng giấy đăng ký kinh doanh, thẻ căn cước và hợp đồng của doanh nghiệp này để giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp khác, vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Xử phạt Viettel 100 triệu đồng đối với hành vi chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền (chấp nhận thông tin thuê bao từ 29,8 nghìn cộng tác viên là các cá nhân bên ngoài để làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động) vi phạm quy định tại điểm b khoản 7 Điều 2 Nghị định số 49/NĐ-CP/2017. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính với Viettel là 109 triệu đồng.
Cùng với việc bị xử phạt Thanh tra Bộ TT&TT cũng yêu cầu Viettel chấm dứt 29,8 nghìn Hợp đồng cộng tác viên hợp tác với các cá nhân đang thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với khách hàng, chấm dứt hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đối với Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã đăng ký thông tin thuê bao sai quy định, chấm dứt hợp đồng ủy quyền đối với điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Mộc Hương.
Cùng với việc xử phạt Viettel, Thanh tra Bộ TT&TT cũng đã ra quyết định xử phạt đối với VinaPhone và MobiFone về hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao di động trả trước với mức phạt cho mỗi nhà mạng là 100 triệu đồng.
Trong kết luận, Thanh tra Bộ TT&TT cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu doanh ngiệp viễn thông về tình trạng bán SIM kích hoạt sẵn trên thị trường đồng thời có biện pháp nhắc nhở lần đầu. Trường hợp doanh nghiệp viễn thông vẫn cố tình vi phạm, hoặc vẫn để tái diễn tình trạng bán SIM rác trên thị trường trong thời gian tới, Bộ sẽ xử lý hành chính, kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo đối với lãnh đạo doanh nghiệp. Thanh tra cũng kiến nghị tăng cường hơn công tác tuyên truyền về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi có SIM thuê bao di động đứng tên mình bị sử dụng vào việc vi phạm pháp luật.