Theo Defense Express, các phi công của không quân Ukraine mới đây có buổi phỏng vấn với truyền thông Anh. Tại đây, họ đã chia sẻ về những khó khăn của tiêm kích MiG-29 khi phải đối mặt với các loại tiêm kích hiện đại hơn của Nga.

Một phi công có biệt danh là Juice cho biết, đối thủ chính của họ trên bầu trời là tiêm kích Su-35, vốn có khả năng vận hành và tác chiến tốt hơn những gì mà không quân Ukraine đang sở hữu.

Tiêm kích MiG-29. Ảnh: DE

"Chúng tôi cảm ơn Ba Lan và Slovakia vì số máy bay MiG-29, nhưng chúng không giải quyết được vấn đề mà không quân Ukraine gặp phải. Bên cạnh hạn chế về công nghệ, số lượng máy bay ít hơn cũng khiến chúng tôi không thể chiếm được ưu thế trên không, đồng nghĩa với việc hỗ trợ bộ binh bị hạn chế", phi công Juice cho biết.

Cũng theo phi công này, kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, số lần xuất kích của không quân Ukraine thấp hơn đối thủ khoảng 20 lần. Ngoài ra, vũ khí chính mà họ sử dụng trên máy bay là bom và tên lửa không điều khiển từ thời Liên Xô, và chúng đang nhanh chóng cạn kiệt.

Phi công Juice bên chiếc MiG-29 của mình. Ảnh: Không quân Ukraine

Một phi công khác có biệt danh Silk lại chia sẻ về khoảnh khắc "tử thần" khi đối mặt với một chiếc Su-35. Thời điểm mà tên lửa được phóng từ chiếc Su-35 lao tới, Silk không còn cách nào khác là phải thoát khỏi chiếc MiG-29 của mình để sống sót.

"Nhiệm vụ chính của MiG-29 là bảo vệ cho các máy bay tấn công mặt đất như Su-25 khỏi tên lửa của đối thủ. Vì vậy, chúng tôi thường phải bay ở độ cao thấp, nên việc sử dụng ghế thoát hiểm cũng có rủi ro cao", phi công Silk nói.

Trong khi đó, Đại tá Volodymyr Lohachov - lãnh đạo đơn vị Phát triển hàng không của không quân Ukraine, kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp cho Kiev những máy bay chiến đấu hiện đại hơn, như F-16 của Mỹ.

"Các máy bay hiện có của Ukraine không thể phát hiện tên lửa hành trình của Nga. Phi công của chúng tôi phải dựa vào thông tin từ các radar cảnh báo trên mặt đất để tìm kiếm các mối đe dọa trên không. Nó giống như việc bay trên lưỡi dao, nhưng các tiêm kích như F-16 có thể thay đổi điều đó", ông Lohachov cho biết.

Lý do phi công Ukraine nhắm bắn tên lửa 'vụng về'

Lý do phi công Ukraine nhắm bắn tên lửa 'vụng về'

Việc thiếu đi các thiết bị dẫn đường hiện đại khiến phi công Ukraine phải sử dụng cách thức phóng tên lửa từ những năm 1940, tạo ra những quỹ đạo 'vụng về' và không đảm bảo độ chính xác.