Gần bốn mươi năm sau. Hà Nội thay đổi cả, những người đi tìm hình bóng chậm rãi của một Hà Nội cũ chắc chỉ biết nhìn vào ảnh tư liệu hay tranh của bác Bùi Xuân Phái để mường tượng.
Phố của Phạm Bỉnh Chương |
Tôi sinh ra ở Hà Nội. Cụ nội tôi tên là cụ Lai, nhà ở góc phố Lương Ngọc Quyến ( phố Galet ) và Tạ Hiện (phố Géraud). Nhà cụ rộng nên cụ treo biển "Trương nhà" (biển cho thuê nhà) trên tầng hai. Khách thuê thường là các thầy ký hay thầy đội, họ ở trọ trả tiền theo tháng. Con phố Tạ Hiện nhỏ và ngắn tập trung đa số dân Hoa kiều sang làm ăn sinh sống với những món ăn như bánh bao, thịt quay, chè vừng, chè khoai. Cụ Lai làm ở sở Lục Lộ (sở Giao thông công chính) không biết có phải vậy mà người ta hay gọi là cụ Lai "sắt".
Trong nhà nuôi một anh phu xe để chở cụ đi làm, đến sở và đi công chuyện, ngoài ra còn có u Tấn, người chăm sóc bác cả, bố tôi, chú tôi và cô út. Sau giờ làm cụ tôi có thói quen đi vòng quanh bát phố, tối muộn cụ mới về, cơm nước xong hay hút một bát thuốc cho sảng khoái, đám khói đặc quện bay lên trần nhà đóng lại một ngày gắn liền với những công việc giao thông của cụ. Kháng chiến nổ ra, tất cả tủ chè, sập gụ trong nhà cụ đều mang ra làm chiến luỹ dọc chợ Đồng Xuân, vàng bạc trong nhà thì góp cho Chính phủ trong tuần lễ vàng. Ông nội tôi theo kháng chiến còn bác cả, bố và chú tôi theo cụ bà về phố Sơn Tây cạnh bến xe Kim Mã trong khi các ông các bà họ hàng thì rải rác ở các phố Thuốc Bắc và Hàng Mã.
Thời bé tôi thường nhảy tàu điện từ đầu Ô Chợ Dừa, nơi tôi ở, dọc theo phố Hàng Bột (Tôn Đức Thắng), xuống tàu ở Văn Miếu, đi bộ qua bệnh viện St. Paul để lên nhà bác cả ở phố Sơn Tây chơi với các anh con bác. Hà Nội thời xưa rất nhỏ, ranh giới cuối cùng là đường tàu hoả phố Khâm Thiên, phía bên phố Khâm Thiên đã là vùng ngoại ô, sau này thì mở rộng xuống đến Gò Đống Đa. Đường tàu điện chạy từ chợ Đồng Xuân qua Bờ Hồ, dọc phố Nguyễn Thái Học xuống phố Hàng Bột, qua Ô Chợ Dừa xuống đến Gò Đống Đa là bến cuối, sau này thì nối dài xuống Hà Đông, một nhánh khác chạy từ Bờ Hồ dọc phố Huế xuống Bạch Mai, bến cuối là chợ Mơ, nhánh còn lại tách ra từ phố Quốc Tử Giám rẽ sang Nguyễn Thái Học, qua đoạn sân vận động Hàng Đẫy, bến xe Kim Mã, phố Kim Mã và bến cuối là Cầu Giấy.
Vào một ngày đầu hè may mắn nào đó, một đứa chuyên nhảy tàu điện lậu vé như tôi được gã soát vé, chắc vừa trúng quả đậm, cho phép vào toa cuối ngồi lên băng ghế gỗ mát lạnh lướt qua những con phố. Bỏ qua bến hay xuống là Văn Miếu, chuyến tàu lôi tôi lên tuốt Nguyễn Thái Học, hồi đó muốn đi lên Bờ Hồ thì phải hỏi gã soát vé trước vì nếu nhầm tàu lên Cầu Giấy thì công toi, nhưng chuyến này là chuyến miễn phí, tôi cũng chẳng quan tâm là nó hướng tới đâu, cứ đi đã. Vụt qua con tàu là những cửa hàng bách hoá, hiệu sách, hiệu đàn ghi-ta, măng đô lin, hiệu đồng hồ dọc các phố Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai tới tận Bờ Hồ. Cuộc sống người Hà Nội vẫn thế, bình bình, chậm rãi nơi từng góc phố. Lọt qua ô cửa sổ gỗ của toa tàu điện, tiếng nhạc vàng, mà bây giờ gọi là bolero, từ chiếc dàn Akai của một nhà khá giả nào đó nhuộm buồn rượi một buổi chiều tháng tư nắng muộn.
Gần bốn mươi năm sau. Hà Nội thay đổi cả, những người đi tìm hình bóng chậm rãi của một Hà Nội cũ chắc chỉ biết nhìn vào ảnh tư liệu hay tranh của bác Bùi Xuân Phái để mường tượng. Hà Nội giờ nhanh lắm, hối hả lắm. Lại vào một ngày đầu hè tháng tư may mắn nào đó, tôi ghé Bờ Hồ để thấy một Hà Nội nay qua những hình bóng xưa, một triển lãm tranh thật đặc biệt nằm ở tầng hầm thứ 3 của một toà nhà hiện đại cạnh Bờ Hồ. Lấy Bùi Xuân Phái làm đường dẫn nhưng triển lãm không có tranh phố của Phái mà thật đặc biệt là các chữ ký ít được biết đến của ông. Tình yêu Hà Nội thì theo nhiều cách còn ký ức Hà Nội thì cũng theo nhiều lối.
Phố của Đào Hải Phong |
Tranh phố của Đào Hải Phong rực rỡ sắc màu, không người, vui đấy mà buồn đấy. Phố của Phạm Bình Chương thực đến từng viên gạch lát. Phố của Phạm Luận đầy nắng, vội có, thong thả cũng có. Phố của Hoàng Phượng Vỹ vui mà ấm áp. Phố của Lê Thiết Cương mờ dần chỉ còn hình khối, luyến tiếc vì những cái đã mất đi.
Và thế, chiều đầu hè vẫn trôi qua chậm lắm bên Bờ Hồ.
Hà Nội 4/2016.
Phạm Vũ Tùng
(Bài đăng lại từ facebook của Phạm Vũ Tùng với sự đồng ý của tác giả)