Dù không có đường biên giới trên bộ với các nước nhưng Hà Nội lại có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua, nối liền với nhiều tỉnh, thành phố… Đây là điều kiện thuận lợi để tội phạm mua bán người lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội qua phương thức trung chuyển trên các tuyến biên giới hoặc ra nước ngoài nên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138) đã xác lập các chuyên án đấu tranh. 

Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, tình trạng mua bán người ở địa bàn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với các thủ đoạn như giới thiệu “việc nhẹ, lương cao” hoặc mai mối “lấy chồng ngoại quốc”. Nhiều thanh niên, phụ nữ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên đã trở thành nạn nhân của đường dây buôn người…

Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc Công an thành phố Hà Nội đã điều tra, xử lý 7 vụ án, khởi tố 17 bị can về hành vi mua bán người, trong đó có 3 vụ án mua bán người ra nước ngoài…

mua bán người.jpg
Công an Hà Nội triển khai các nhóm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm buôn bán người. 

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, cùng với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, lực lượng công an đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân nhận biết, tránh mắc bẫy của loại tội phạm này.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết, mỗi người dân cần cảnh giác, tự bảo vệ chính mình và người thân; cần tham khảo ý kiến của mọi người trong gia đình và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, làm gì, đi với ai trước khi quyết định đi xa.

Đặc biệt, các bạn trẻ cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc người quen đi làm xa trở về, hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cần tìm hiểu kỹ trước những lời hứa hẹn tìm giúp việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình; thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ.

Hướng đến chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội nhằm giảm nguy cơ, giảm tội phạm mua bán người, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo Công an thành phố Hà Nội, thực tiễn đấu tranh cho thấy, tội phạm mua bán người không những để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân, mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Do đó, thời gian tới, lực lượng công an chủ động phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người, nhất là phối hợp cùng địa bàn biên giới ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm vô nhân tính này.

Công an thành phố tiếp tục xây dựng thế trận phòng, chống mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố xét xử các vụ án. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra các đường dây mua bán người, giải cứu kịp thời các nạn nhân…

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm của các tầng lớp nhân dân. Các đơn vị quán triệt quan điểm phòng, chống mua bán người là một nội dung căn bản của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ việc làm, giảm nghèo…