Với đặc thù là tỉnh biên giới, Quảng Ninh có 3 cửa khẩu là Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, đường mòn, lối mở thông thương, tiếp giáp với Trung Quốc nên các đối tượng mua bán người thường tìm đến hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh thông tin, nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phù hợp, phong phú để cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, phòng ngừa hiểm họa mua bán người, đặc biệt mua bán người qua biên giới.
Thường xuyên tuyên truyền thông qua các kênh thông tin như: báo, Đài Phát thanh truyền hình của tỉnh, Cổng thông tin thành phần của Hội, website của Hội, các nhóm Zalo, Facebook, fanpage của cán bộ Hội. Nội dung tuyên truyền tập trung quán triệt, triển khai các văn bản, chính sách, pháp luật về công tác phòng chống mua bán người.
Hội thực hiện dự án do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tài trợ tổ chức 03 cuộc truyền thông phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép tại trường học với sự tham gia của 2.181 học sinh, giáo viên; in 2.000 sản phẩm truyền thông trên áo, túi, khẩu trang làm tài liệu tuyên truyền về phòng tránh bị buôn bán khi di cư lao động ở nước ngoài.
Đồng thời, triển khai Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại: Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” do IOM tài trợ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát động Cuộc thi "Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại" nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về tình trạng mua bán người và nô lệ thời hiện đại, thu hút được sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sỹ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp còn tích cực phối hợp liên ngành hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ký kết 04 Chương trình phối hợp giai đoạn với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, công an, quân sự để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội duy trì xây dựng chuyên trang về phòng chống mua bán người trên trang thông tin điện tử. Cụ thể: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đăng tải 06 tin bài; các cấp Hội chủ trì, phối hợp tổ chức 52 hội nghị lồng ghép tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, mại dâm; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...
Tập huấn nâng cao nhận thức phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; tội phạm mua bán phụ nữ trẻ em; vệ sinh an toàn thực phẩm... cho trên 5.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 23 lớp tập huấn về công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, kỹ năng tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy, phòng chống mại dâm, kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và phòng chống bạo lực, xâm hại, lừa gạt và dụ dỗ trẻ em trên môi trường mạng;
Tại các lớp tập huấn, cán bộ, hội viên phụ nữ được phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người; thông tin về thực trạng mua bán người trên thế giới và tại Việt Nam; nhận biết kẻ buôn người và nạn nhân; các hình thức lao động cưỡng bức và thủ đoạn của kẻ buôn người. Cùng với đó là kỹ năng vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người; kỹ năng nhận biết và cách phòng tránh tội phạm mua bán người; nâng cao ý thức cảnh giác của từng gia đình, mỗi cán bộ, phụ nữ, trẻ em và các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng dân cư, góp phần ngăn chặn tệ nạn mua bán người qua biên giới.