Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Theo đó, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) xây dựng một loạt điều khoản hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân cho thấy tính ưu việt so với Luật năm 2011 trong việc bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong đó, việc làm rõ khái niệm “mua bán người” làm căn cứ để xác định rõ các hành vi vi phạm cụ thể, các hành vi cần phòng ngừa; xác định rõ “nạn nhân”, “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, trên cơ sở đó đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể.
Đồng thời, việc làm rõ khái niệm “mua bán người” giúp các lực lượng chức năng định hình các chính sách phòng ngừa, biện pháp, công cụ đấu tranh, xử lý phù hợp và làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để xử lý loại tội phạm này.
Từ những yêu cầu đặt ra, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo luật quy định việc mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), đây là lĩnh vực rất phức tạp nên cần có những quy định rất rõ và sát thực tiễn. Hiện quy định tại dự thảo luật về hành vi mua bán người chưa bao hàm hết các hành vi trên thực tế. Đại biểu nêu trong thực tiễn có nhiều hành vi mua bán người khác, như hành vi mua bán trẻ sơ sinh; hành vi môi giới, lợi dụng nhận con nuôi; tiếp nhận người để ép buộc làm vợ, ép buộc sinh con trái ý muốn...
Bổ sung ý kiến, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, cụm từ "lợi ích vật chất khác" cần được làm rõ hơn để tránh mơ hồ trong thực thi. "Lợi ích vật chất" có thể bao gồm không chỉ tiền hoặc tài sản mà còn là các dịch vụ, quyền lợi hoặc ưu đãi từ phía bên thứ ba.
Có thể nói, hiện nay, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người. Việc hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người trong bối cảnh mới hiện nay là rất cấp thiết.
Đây là cơ sở nhằm tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.