Thời gian qua, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã xây dựng, tập trung triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2024.

Trong đó, công tác phòng ngừa xã hội có sự chuyển biến trong phối hợp liên ngành, nhất là các địa bàn biên giới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, tập trung vào các nhóm yếu thế, nhóm đối tượng có nguy cơ bị mua bán hoặc bị tội phạm mua bán người lợi dụng. 

Các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì, triển khai nhiều mô hình, chương trình, câu lạc bộ liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người như: Câu lạc bộ “Chủ nhà trọ tự quản về an ninh trật tự”, “Nữ chủ nhà trọ”, “Chi hội thanh niên nhà trọ”; duy trì hoạt động hiệu quả “Tổ phản ứng nhanh phòng, chống xâm hại trẻ em”; mô hình "Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Gia đình hạnh phúc”; “Giáo dục và đời sống”; “Cha, mẹ nuôi dạy con tốt”; “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”...

Nghệ An 1
Buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân bản Búng, xã Môn Sơn, huyện Pù Mát (Nghệ An).

Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã chủ động nắm chắc tình hình, quyết liệt triển khai các phương án, kế hoạch nghiệp vụ phòng, chống mua bán người đã phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá nhiều đường dây mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng theo nguyên tắc “Lấy nạn nhân là trung tâm” và bảo đảm các quyền của nạn nhân. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và phát triển cùng Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ khẩn cấp cho 65 nạn nhân bị mua bán trở về. 

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) đã tiếp nhận 780 cuộc gọi; thực hiện hỗ trợ cho 30 người có dấu hiệu và nguy cơ là nạn nhân của mua bán người, trong đó, có 15 nạn nhân là nam, 15 nạn nhân là nữ; 29 nạn nhân là người dân tộc Kinh, 1 nạn nhân là người dân tộc thiểu số. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, xác minh 85 người (bao gồm cả những người nghi là nạn nhân bị mua bán).

Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống, mua bán người tiếp tục được quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương quan trọng, nhất là với cơ quan chức năng của Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc các nước ASEAN và Tổ chức IOM tại Việt Nam...

Để chủ động triển khai, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, mua bán người, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tăng cường, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm. Phòng, chống mua bán người tại các địa bàn cơ sở, những địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội; tập trung từng nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các đối tượng cụ thể. 

Tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Webchat) để dụ dỗ, hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” để lừa gạt nạn nhân, người lao động ra nước ngoài.

Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyên viên, cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người tại các địa bàn cấp cơ sở.

Tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ nạn nhân; đánh giá tính tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các điều ước, công ước quốc tế; tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Tham gia đóng góp thực chất tại các cơ chế hợp tác, tiến trình quốc tế và khu vực về di cư, phòng chống mua bán người. Tăng cường thông tin đối ngoại về chủ trương, chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người.