Với hướng đi mới nay, tối ngày 13/10, Lưu Thị Hòa – Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ ở Đồng Văn (Hà Giang) trở thành 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tôn vinh.

Bỏ phố về cao nguyên làm nông nghiệp sạch

Trước khi quyết định trở về cao nguyên quê hương làm nông nghiệp sạch, Giám đốc HTX Po Mỷ Lưu Thị Hoà từng có công việc ổn định với thu nhập tốt tại Hà Nội sau khi tốt nghiệp trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Giám đốc 9X nhớ lại giai đoạn năm 2017, khi cô cảm thấy nhàm chán với cuộc sống xô bồ nơi phố thị, muốn hoà mình với thiên nhiên núi rừng, nhớ những nét văn hoá truyền thống nơi vùng cao. Thời điểm đó ở nhiều nơi, mọi người liên tục onine kêu gọi “giải cứu nông sản” quê nhà.

Hoà nhận ra, ở quê hương Hà Giang có nhiều sản vật ngon, độc đáo nhưng người dân vẫn loay hoay sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nên khó tìm được thị trường tiêu thụ.

po my dong van.png
Ở HTX Po Mỷ, sản phẩm đều được bán online (Ảnh: Lưu Thị Hoà)

Cô gái trẻ quyết định về quê “sống chết” với nông nghiệp sạch.

Hơn một tháng sau, HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ ra đời, Hoà làm giám đốc. Po Mỷ của cô hướng đến là một doanh nghiệp vì công động, giúp bà con ổn định cuộc sống nơi vùng cao nguyên đá này.

Cô bắt tay phát triển các sản phẩm nông sản thế mạnh từ bản địa, đồng thời chuẩn hóa chất lượng, mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Song, thời gian đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, bởi cô chưa nắm rõ được quy trình sản xuất các loại hàng hoá, thị trường cũng chưa có.

Vài tháng tiếp theo trôi qua, Hoà quyết định liên kết sản xuất với các hộ nông dân tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất sạch, tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Còn cô đảm làm khâu thương mại, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nơi đây. Theo đó, cô nhắm tới một loạt các nông đặc sản của địa phương như: mật ong bạc hà, trái lê, khoai sâm, thịt gác bếp, rau củ quả…

Giám đốc Hòa cùng các thành viên của HTX đi nhiều nơi, tìm nhiều kênh phân phối sản phẩm, đến các hội chợ, triển lãm để kết nối tiêu thụ nông sản, đồng thời mở các nhóm bán hàng trên mạng xã hội, kênh trực tuyến…

Po Mỷ chỉ có 8 thành viên nhưng có tới 50 hộ liên kết sản xuất. Mỗi năm, HTX bao tiêu cho bà con nông dân khoảng 4.000 lít mật ong bạc hà, 80 tấn lê, 90 tấn khoai sâm… Doanh thu của HTX lên tới con số 2 tỷ đồng/năm.

Riêng khoai sâm, Po Mỷ đang mở rộng vùng sản xuất lên 50ha, tức mỗi năm sẽ có 1.500 tấn khoai sâm của bà con được bán ra thị trường. Sản phẩm sâm khoai của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. 

Hiện, HTX Po Mỷ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lê, sâm khoai dài hạn với 15 hộ nghèo và cận nghèo tại xã Tà Lủng (Đồng Văn), Hoà chia sẻ. Từ khoai sâm, HTX chế biến thành các sản phẩm phở khoai sâm, bánh khoai sâm… gia tăng giá trị cho loại nông sản này.

Mới đây, một doanh nghiệp Nhật Bản nhận ra tiềm năng của củ khoai sâm ở cao nguyên đá Đồng Văn, họ đặt Po Mỷ đơn hàng phở khoai sâm với số lượng lên tới 150 tấn, Giám đốc 9X Lưu Thị Hoà tiết lộ.

po my dong van.jpg
HTX liên kết với nhiều hộ nông dân để tạo thành vùng nguyên liệu lớn (Ảnh: Lưu Thị Hoà)

Po Mỷ online

Không chỉ bao tiêu nông sản cho bà con nông dân, Hoà còn khoe sản phẩm của Po Mỷ đa phần đều bán trên các sản thương mại điện tử như: shopee, Lazada; TikTok… Po Mỹ cũng có trang web riêng giới thiệu sản phẩm, có trang facebook để bán hàng online trên mạng xã hội này. Cô tham gia vào việc quay các video ngắn để quảng bá sản phẩm.

Hoà cho biết, Po Mỷ nằm ở vùng núi cao nơi cực Bắc địa đầu Tổ quốc, khó khăn nhất là vùng nguyên liệu nằm ở các địa bàn xa xôi, cách xa cả 40-50 km. Thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, HTX bị ảnh hưởng không nhỏ.

Thời điểm đó bán hàng theo kiểu truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để khắc phục khó khăn, cô quyết định chuyển qua hình thức bán online, livestream giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng.

po my dong van.png
Giám đốc 9X Lưu Thị Hoà trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Chỉ riêng một buổi livestream bán hàng khoảng 45 phút qua phiên “Chợ đêm trên mây”, Po Mỷ đã bán được hơn 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn. Sau đó, HTX đều thực hiện livestream vào tối thứ Bảy hàng tuần trên fanpage để kết nối với khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Lượng hàng bán ra cũng tăng 50% so với trước thời điểm dịch bùng phát.

Thấy hiệu quả, Hoà hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng điện thoại thông minh, kết nối các ứng dụng để trao đổi công việc và bán nông sản.

Trước kia, muốn kiểm tra vùng nguyên liệu hay hướng dẫn bà con nông dân quy trình canh tác, cô cùng các thành viên trong HTX phải đi mất cả ngày đường. Nay chuyển đổi số mọi thứ đều nhanh, chỉ cần vài phút đồng hồ cô có thể kết nối với vùng nguyên liệu.

“Công việc của HTX hiện nay đều vận hành online. Từ khâu đưa nông sản ở vùng nguyên liệu về điểm tập kết, rồi vận chuyển về HTX, tất cả vận hành qua kênh trực tuyến”, Hoà chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, cô gái 9X Lưu Thị Hoà đang phác hoạ Po Mỷ trong tương lai với mô hình farmstay – du lịch trải nghiệm nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa. Theo cô, đây là hình thức kết hợp giữa ba lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và văn hóa. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển và tạo việc làm ổn định cho người dân vùng cao.

Tâm An