Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holdings được tổ chức ngày 20/5, tại cơ sở Hà Nội của PTIT.

Theo thỏa thuận hợp tác, VMO Holdings sẽ cùng PTIT xây dựng chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng theo mô hình kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, ứng dụng nền tảng đại học số.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT và Chủ tịch, Tổng giám đốc VMO Holdings Hoàng Tuấn Hải ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng.

Với thời gian được rút ngắn từ 4,5 năm còn 3,5 năm nhờ ứng dụng công nghệ số, chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng, sẽ tập trung vào 3 khía cạnh chính là  doanh nghiệp hóa, chứng chỉ hóa và quốc tế hóa để cung cấp cho người học khả năng đáp thích ứng ngay với yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp quốc tế.

Sinh viên đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ngay khi tốt nghiệp bằng cách đưa doanh nghiệp tham gia đào tạo, tăng thời lượng thực tập, dự án thực tế tại doanh nghiệp; mentor doanh nghiệp đồng hành cùng sinh viên trong việc định hướng và phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, PTIT và VMO Holdings đã khánh thành phòng học thông minh.

Cùng với đó, áp dụng công nghệ vào đào tạo để hỗ trợ cá nhân hoá tiến trình học tập, tối ưu thời gian học tập, nâng cao chất lượng hướng tới hình thành một nền tảng đào tạo kỹ năng, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo suốt đời.

Thời gian tới, VMO Holdings sẽ cử các cán bộ, chuyên gia tham gia trực tiếp công tác giảng dạy cho chương trình đào tạo mới, đồng thời trao tặng 1 phòng học lý thuyết và 2 phòng máy thực hành phục vụ cho hoạt động tuyển sinh và đào tạo chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng tại cơ sở của Học viện.

Ngoài việc hỗ trợ cải tạo 1 phòng học lý thuyết truyền thống thành phòng học thông minh theo mô hình đào tạo mới, VMO Holdings cũng sẽ trao tặng học bổng cho các sinh viên xuất sắc; hỗ trợ kinh phí tổ chức các sự kiện và cuộc thi nghiên cứu khoa học cho sinh viên theo học chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng; tiếp nhận sinh viên thực tập…

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, nhận thức về chuyển đổi số, phát triển nhân lực số của Việt Nam theo kịp thế giới.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, tương lai của một quốc gia bắt đầu từ các trường học. Tương lai của chuyển đổi số quốc gia nằm ở phát triển lực lượng nhân lực số đông đảo về số lượng, vượt trội về chất lượng, nhanh chóng thích ứng với một thế giới số không ngừng biến động. 

Đánh giá những năm gần đây PTIT đã tích cực, quyết liệt triển khai nền tảng đại học số, Thứ trưởng chỉ rõ, để chuyển đổi số theo mô hình đai học số, giải quyết được các bài toán quốc gia về đào tạo nhân lực số, Học viện vẫn cần có nhiều sự thay đổi, đột phá hơn nữa.

Dẫn lại xu hướng thế giới và các mục tiêu, yêu cầu về phát triển nhân lực số trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng, nhận thức về chính sách của Việt Nam đi cùng nhịp với thế giới.

Thứ trưởng cho rằng, chính nhờ có những cơ sở đào tạo, doanh nghiệp công nghệ số như PTIT, VMO Holdings, chính sách được đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, góp phần để Việt Nam thích ứng kịp với xu hướng phát triển, thay đổi rất nhanh trên thế giới.

“Bài toán quốc gia về phát triển nhân lực số cần những người tiên phong giải quyết, truyền cảm hứng cho những người khác. Bộ TT&TT cam kết ủng hộ những hợp tác hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp công nghệ số”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT Nguyễn Sơn Hải nhận định, việc áp dụng mô hình đại học số vào đào tạo nhân lực CNTT là rất là cần thiết.

Theo Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT Nguyễn Sơn Hải, hợp tác giữa PTIT và VMO Holdings là một sự kiện ý nghĩa về phát triển nhân lực CNTT, đóng góp cho sự phát triển đất nước, hiện thực hóa chương trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số đại học nói riêng.

Về đào tạo nguồn nhân lực CNTT, ông Nguyễn Sơn Hải cho biết, Bộ GD&ĐT thời gian qua đã có nhiều chính sách, trong đó có hướng dẫn về cơ chế đặc thù cho đào tạo CNTT với tinh thần là huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, từ đó tháo gỡ các vấn đề trong đào tạo nhân lực CNTT phục vụ chuyển đổi số.