Tại tọa đàm Xây dựng mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam, hôm nay (25/3), lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, đề án Thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số có 5 cơ sở đào tạo tham gia.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì thực hiện, phối hợp cùng các bộ ngành khác và các trường xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC, hỗ trợ cơ sở đào tạo hạ tầng thực hiện chuyển đổi số; thiết kế và triển khai xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến; phát triển mô hình học tập kết hợp (blended learning) và bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến.

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, HV Công nghệ bưu chính viễn thông, xây dựng đề án đào tạo nhân lực số.

ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin.

Đề án Thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số đặt ra mục tiêu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với số sinh viên dự kiến tham gia học tập trên hệ thống MOOCs dùng chung khoảng 10.000 sinh viên.

Theo số liệu được đưa ra tại tọa đàm, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự toán năm 2023 doanh thu từ giáo dục số đạt mức 166 tỉ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là giáo dục đại học số với 103,8 tỉ USD (62,5%). Ước tính doanh thu sẽ tiếp tục tăng 9,4% mỗi năm cho tới năm 2027. Phần lớn doanh thu tới từ các hoạt động giáo dục số tại Mỹ: ước đạt 74,8 tỉ USD (45%). 

Tại Mỹ, tổng đầu tư mạo hiểm cho giáo dục số tăng 6 lần trong giai đoạn 2017-2021, từ 1,3 lên 8,3 tỉ USD. Số start-up kỳ lân về công nghệ giáo dục tăng 3 lần về số lượng và tổng giá trị trong 3 năm 2019-2021.