Đối với cả Erdogan lẫn Putin, "xin lỗi" dường như không hề có trong vốn từ vựng của hai nhà lãnh đạo này. Và đó là điểm giống nhau của họ.

Nguy cơ chiến tranh Nga - Thổ?

Trong một động thái trả đũa mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây khó dễ cho các tàu của Nga khi đi qua Eo biển Bosporus, nhằm chặn đường ngắn nhất ra Biển Đen của hạm đội Nga để tới Syria. Động thái này khiến các chuyên gia lo ngại nguy cơ nổ ra một cuộc Chiến tranh thế giới thứ III.

Hạm đội Biển Đen của Nga là một thành phần quan trọng trong các chiến dịch của Moscow tại Syria. Nếu Ankara “cấm cửa” các tàu chiến Nga qua các eo biển chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, các ý định của Moscow nhằm tăng cường lực lượng chống IS tay Syria hay tăng viện cho các đơn vị của Nga đang chiến đấu tại đây sẽ rất bị hạn chế.

{keywords}
Ảnh minh họa:haber.star.com

Nhận định về việc này, cựu đặc vụ NSA John Schindler, hiện là chuyên gia bình luận về an ninh quốc gia của tờ The Observer cảnh báo, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nên nhằm cảnh cáo Nga, “vì nếu không, Chiến tranh thế giới thứ III sẽ bắt đầu”.

Lo ngại của ông Schindler chắc chắn có lý do. Xung đột Nga – Thổ đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang bùng cháy dữ dội là Syria. Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ kỳ hoàn toàn có thể viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước NATO, coi một cuộc tấn công vào bất cứ thành viên nào đều là tấn công vào toàn Khối, kể cả Mỹ. NATO cũng đã thể hiện quan điểm ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ (dù có phần bất đắc dĩ) trong sự cố với Nga.

Đáp lại biện pháp phản-trả đũa mới nhất nói trên của Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow đã bắt đầu áp dụng trừng phạt đối với một số hàng hóa xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Nga đã lần đầu tiên trang bị cho các máy bay chiến đấu của mình các loại tên lửa không đối không, tăng khả năng tắn công chống lại mọi hành động hiếu chiến trong tương lai của các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia của Nga Boris Zilberman, tại Quỹ Phòng thủ dân chủ (một nhóm cố vấn có trụ sở tại D.C) cảnh báo: “Cái tôi của cả ông Putin và Erdogan có thể đẩy bất cứ sự cố nào trong tương lai ra ngoài tầm kiểm soát”.

Theo chuyên gia bình luận quốc tế của tờ The New York Times, Neil Mac Farquhar, căng thẳng Nga – Thổ một phần vì cá tính quá giống nhau ở hai lãnh đạo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan là người được điện Kremlin mô tả là cứng rắn, không nhân nhượng, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nổi tiếng là một cựu điệp viên KGB cương nghị và quyết liệt.

Mới cách đây không lâu, ông Erdogan đã được ông Putin ca ngợi là “mạnh mẽ và cương quyết”, sẵn sàng đương đầu với phương Tây, khi Ankara công khai ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu bất chấp việc phương Tây kêu gọi tăng trừng phạt chống lại Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhưng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, chính cá tính “không chịu nhân nhượng” của cả hai lãnh đạo này đang làm căng thẳng gia tăng. Neil Mac Farquhar nhận định sự tức giận của hai lãnh đạo có thể làm kéo dài cuộc chiến đẫm máu tại Syria, và gia tăng lo ngại rằng NATO có thể phải can thiệp nếu xung đột Nga – Thổ không giảm nhiệt.

Cùng chung quan điểm này, Ivan Krastev, một nhà khoa học chính trị, Chủ tịchTrung tâm Chiến lược tự do ở Sofia (Bulgaria), phân tích: “Vấn đề nằm ở chỗ cả ông Putin và ông Erdogan đều không muốn bị xem là yếu thế. Cả hai đều không chịu rút lui, không chịu xin lỗi. Họ là bản sao của nhau!”.

Cả hai người đàn ông này thường được mô tả là không nhân nhượng, dân tộc chủ nghĩa, thậm chí thô bạo và có phần độc đoán. Ông Putin đã “đổi ghế” (Tổng thống - Thủ tướng - Tổng thống) để giữ vị trí lãnh đạo đất nước. Ông Erdogan cũng đã làm điều tương tự, thậm chí còn muốn thay đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ để tăng quyền cho Tổng thống.

Cả hai đều đang cố gắng lập lại thời hoàng kim của các đế chế mà nước họ từng để mất trong Chiến tranh thế giới thứ I (Sa Hoàng và Đế chế Ottoman). Cả hai đều đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nước, tạo cho họ một cảm giác được miễn trừ. Chính vì vậy, hai người sẽ không thể giải quyết tranh cãi về sự cố máy bay nếu không có vai trò hòa giải từ bên ngoài. Đối với cả Erdogan lẫn Putin, "xin lỗi" dường như không hề có trong vốn từ vựng của hai nhà lãnh đạo này. Và đó là điểm giống nhau của họ.

Linh Thảo