Bố tôi 55 tuổi, đã tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục trở lên từ năm 2015, nếu đặt 2 stent tim tại bệnh viện tỉnh (đúng tuyến) thì được quỹ bảo hiểm chi trả ra sao? (Hoàng Long, Hà Nội).

Ông Nguyễn Trung Quý, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trả lời:

Theo quy định hiện hành, quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi quyền lợi cho người bệnh theo mức hưởng ghi trên thẻ và tùy thuộc vào các trường hợp đi khám chữa bệnh đúng tuyến hay trái tuyến.

Trường hợp bố của bạn đã tham gia BHYT đủ 5 năm, có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện nay là 8.940.000 đồng, từ ngày 1/7 là 10,8 triệu đồng) thì ông sẽ được quỹ BHYT chi trả theo mức hưởng 100% đối với các chi phí thuộc phạm vi quyền lợi theo quy định của Bộ Y tế.

Theo quy định của Thông tư số 04/2017 của Bộ Y tế, stent mạch vành đầu tiên được quỹ BHYT thanh toán tối đa là 36 triệu đồng, do có rất nhiều loại stent có mức giá chênh lệch khác nhau. Mức giá 36 triệu đồng là mức giá phổ biến của các loại stent động mạch vành có phủ thuốc. Đối với stent thứ 2 được quỹ BHYT thanh toán 50% chi phí, tối đa không quá 18 triệu.

Ngoài ra trong chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành và kỹ thuật đặt stent mạch vành còn có các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật khác được quỹ BHYT thanh toán. 

Stent là gì?

Stent là một ống nhỏ giúp nong rộng các mạch máu tắc hẹp để đảm bảo dòng máu có thể lưu thông dễ dàng từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả cơ tim.

Hầu hết stent được làm bằng lưới thép và có hiệu lực vĩnh viễn, thường được sử dụng cho các động mạch lớn hơn. Một số loại stent khác được làm bằng vật liệu hòa tan và cơ thể chúng ta sẽ hấp thụ theo thời gian. Chúng được phủ thuốc và từ từ giải phóng vào động mạch để ngăn các mảng bám xơ vữa khiến bị động mạch bị tắc nghẽn trở lại.