Năm 2025 sẽ tiến hành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ một đợt, thời gian giao nhận quân từ ngày 13 đến hết ngày 15/2. VietNamNet phỏng vấn Thiếu tướng Lường Văn Thắng, Phó Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng) về công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ năm 2025.

Xin Thiếu tướng cho biết điểm mới trong công tác tuyển quân năm 2025?

Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025 có những điểm mới so với năm trước. Những năm trước đây quy định khám sức khỏe nghĩa vụ chủ yếu khám lâm sàng là chính, trường hợp cần thiết mới quyết định xét nghiệm cận lâm sàng.

Sau khi nhận quân về, các đơn vị của Quân đội phúc tra sức khỏe, triển khai xét nghiệm cận lâm sàng, qua đó đã phát hiện bệnh lý về nội, ngoại khoa mà khi khám ở địa phương không thể phát hiện qua khám lâm sàng dẫn đến không đủ tiêu chuẩn phải bù đổi, loại trả gây tốn kém về ngân sách, thời gian của đơn vị, địa phương và ảnh hưởng đến tâm lý công dân và gia đình.

le ra quan chi hieu 10 2 450.jpg
Thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ năm 2024. Ảnh: Chí Hiếu

Ngày 6/12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng đã ban hành Thông tư 105 quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Về tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025 thực hiện theo quy định tại thông tư, riêng tiêu chuẩn về mắt vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 148 ngày 4/10/2018 của Bộ trưởng Quốc phòng.

Về nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự bao gồm khám thể lực, lâm sàng theo chuyên khoa và khám cận lâm sàng.

Như vậy, việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và khám phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới năm 2025 được thực hiện chặt chẽ, thống nhất giữa địa phương và đơn vị sẽ hạn chế thấp nhất việc bù đổi, loại trả công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

Vì sao Quân đội chủ trương tuyển quân có tiêu chuẩn từ cao xuống thấp và chú trọng tuyển chọn công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, thưa Thiếu tướng?

Đây là chủ trương phù hợp với nhu cầu bố trí, sử dụng của Quân đội nhằm tuyển chọn được nguồn công dân nhập ngũ có chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngoài ra còn tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, rộng khắp và tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.

Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, xác định nhiệm vụ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; Nghị quyết số 05 ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230 ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo xác định mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định hàng năm tổ chức tuyển quân 1 đợt (trước đây 2 đợt). Điều này tạo thuận lợi cho địa phương giao quân, hạn chế đơn thư liên quan về tạm hoãn gọi nhập ngũ thời điểm công dân trúng tuyển cao đẳng, đại học nhập học. Tuy nhiên, thực hiện tuyển quân 1 đợt dẫn đến một số đơn vị thiếu quân số trong giai đoạn tuyển quân và giải quyết hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ. Cục Quân lực có giải pháp nào để giải quyết thực trạng này?

Tại Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND một lần vào tháng 2 hoặc tháng 3. Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND lần thứ 2. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND.

Việc thực hiện tuyển quân 1 lần/năm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương và đơn vị có thời gian thực hiện nhiệm vụ khác; giảm được chi phí về ngân sách, thời gian của các cơ quan, tổ chức và tránh chồng chéo, xung đột giữa tuyển quân đợt 2 và kỳ tuyển sinh cao đẳng, đại học hằng năm. Đồng thời hạn chế phải ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện.

Do mùa tuyển quân đợt 2 sẽ trùng vào mùa tuyển sinh, nhiều đơn thư kiến nghị liên quan tạm hoãn nghĩa vụ quân sự gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, công dân và khó khăn cho địa phương trong tuyển quân.

Tuy nhiên, việc gọi nhập ngũ 1 lần/năm dẫn đến một số khó khăn đối với các đơn vị đó là sự thiếu hụt quân số đối với một số chuyên môn kỹ thuật trong thời gian bộ đội xuất ngũ, huấn luyện tân binh và đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Để khắc phục bất cập nêu trên, hàng năm Cục Quân lực đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị khi giải quyết hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ, căn cứ tình hình cụ thể cần bảo đảm quân số để thực hiện nhiệm vụ, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Quốc phòng xem xét quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Bộ Quốc phòng có chính sách gì để khuyến khích công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhập ngũ, trong khi đa phần mong muốn đi làm sau khi tốt nghiệp?

Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trong những năm vừa qua luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của ban, bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc của địa phương, đơn vị.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp trong tổ chức thực hiện tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng đúng quy định của pháp luật. Chú trọng tuyển chọn công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học có ngành nghề phù hợp với nhu cầu bố trí, sử dụng nhằm tuyển chọn được nguồn công dân nhập ngũ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Với nỗ lực cao nhất, Bộ Quốc phòng thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo chế độ chính sách, công tác hậu phương quân đội trong khả năng tối đa có thể đối với hạ sĩ quan, binh sĩ về vật chất, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Quân đội.

1905 vnn 2939 1 1373.jpg
Các chiến sĩ Đoàn 275 - Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi tập luyện. Ảnh: Thế Đại

Đối với trường hợp công dân nhập ngũ đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, để ưu tiên bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách, Bộ trưởng Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 220 và Thông tư số 241.

Theo đó, trong quá trình phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đẳng, đại học được đào tạo trước khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên bố trí, sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của Quân đội.

Sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ, cá nhân có nguyện vọng phục vụ Quân đội lâu dài và được đào tạo những ngành, nghề chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp thì được ưu tiên tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp theo quy định.

Thống kê hàng năm, tỷ lệ tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp từ hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ cao đẳng, đại học gần 50% trong tổng số được tuyển chọn.