Hôm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân.

Trả lời phỏng vấn, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh cho biết, thời gian qua, dù tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo, điều hành của hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, chính quyền địa phương hai nước đã phối hợp, tích cực thực hiện các thỏa thuận, kế hoạch hợp tác đạt được kết quả thiết thực trên mọi lĩnh vực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và làm việc với hoàng thân Xu-pha-nu-vông sang thăm Việt Nam tại Việt Bắc năm 1948
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và làm việc với Chủ tịch Lào Souphanouvong sang thăm Việt Nam tại Việt Bắc năm 1948. Ảnh: Tư liệu

Về chính trị tiếp tục được tăng cường và ngày càng trở nên sâu sắc, gắn bó, tin cậy lẫn nhau. 

Về hợp tác quốc phòng tiếp tục được tăng cường, góp phần giữ vững ổn định chính trị và hòa bình hai nước. Hai bên đã cùng xây dựng Kế hoạch hợp tác quốc phòng, an ninh giai đoạn 2020-2024.

Về đối ngoại, hai bên phối hợp thường xuyên, đặc biệt gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội... Việt Nam cung cấp tư vấn và hỗ trợ về nhiều mặt để Lào có thể thực hiện thành công nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2024 và Chủ tịch AIPA 45 năm 2024.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục được hai nước khuyến khích. Việt Nam đã đầu tư 256 dự án với tổng số vốn đăng ký là 5,5 tỷ USD; thương mại Lào - Việt 8 tháng năm 2024 đạt 1,3 tỷ USD; Việt Nam sẽ nhập khẩu 3.000 MW điện từ Lào vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030.

Về giáo dục, đào tạo nhân lực, Việt Nam và Lào đẩy mạnh thực hiện Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2022 - 2027, trong đó Việt Nam dành cho Lào khoảng hơn 1.000 suất học bổng mỗi năm để giúp xây dựng, phát triển nguồn nhân lực.

Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước tiếp tục được khuyến khích mạnh mẽ và ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu.

IMG_1EA62C9BF028 1.jpg
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh trả lời phỏng vấn.

Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh cho rằng, những thành tựu trong quan hệ hợp tác góp phần quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và tăng cường quan hệ đặc biệt Lào - Việt, góp phần tích cực giữ gìn hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực, trên thế giới và trở thành tấm gương sáng trong quan hệ quốc tế.

"Đặc biệt trong năm 2024 vừa qua, tôi đánh giá cao sự hợp tác giữa hai bên. Nhiều việc đã hoàn thành đúng kế hoạch và vượt mong đợi, nhiều việc tiến triển và nhiều việc còn tồn đọng đã được giải quyết", Đại sứ Lào chia sẻ.

Nói về chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Lào, Đại sứ Khamphao Ernthavanh cho biết, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang kỷ niệm 47 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, 62 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 49 năm thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và 79 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chuyến thăm là sự tiếp nối sau thành công của chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 7. Chuyến thăm lần này là đáp lại lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nhằm tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam.

IMG_1DDFA5C78E9F 1.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trường song ngữ Lào - Việt Nam trong chuyến thăm Lào hồi tháng 7. Ảnh: TTXVN

Đại sứ cho biết, hai bên sẽ đánh giá lại những nội dung và kết quả hợp tác, đồng thời xác định phương hướng trọng tâm trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith sẽ hội đàm, hội kiến, gặp gỡ các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, các cựu chuyên gia quân sự Việt Nam từng giúp đỡ Lào và lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cũng sẽ thăm một số cơ sở kinh tế, di tích lịch sử và văn hóa của Việt Nam.

Đại sứ Khamphao Ernthavanh kỳ vọng, chuyến thăm sẽ góp phần tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước ngày càng gần gũi.

Đây là dịp để hai bên thấu hiểu nhau hơn, thúc đẩy hợp tác toàn diện để ngày càng có nhiều thành quả, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Đại sứ nhấn mạnh: "Mặc dù khu vực, quốc tế có thay đổi phức tạp, trong đó có cả cơ hội và thách thức, Lào và Việt Nam vẫn ưu tiên cao nhất trong đường lối đối ngoại mỗi nước, với quyết tâm bảo vệ và tăng cường mối quan hệ đặc biệt từ thế hệ này đến thế hệ mai sau".

Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith sẽ có cuộc gặp gỡ cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng giúp đỡ Lào, sinh viên Lào đang học tập nghiên cứu ở Việt Nam, để khẳng định cho nhân dân hai nước cũng như thế giới biết được mối quan hệ gắn bó, thủy chung, tin cậy đặc biệt "có một không hai" Lào - Việt Nam đã có từ lâu và sẽ tiếp tục được vun đắp, phát huy mãi mãi đến thế hệ con cháu.

Cuộc gặp mặt là dịp để nhân dân hai nước nhớ về khối đoàn kết đặc biệt Lào - Việt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đã xác lập, được các thế hệ lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng, nhân dân hai nước kế thừa, vun đắp, bảo vệ suốt nhiều thập kỷ.

"Sự kiện này nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực, quốc tế phức tạp, hai nước càng phải tăng cường hợp tác để bảo vệ và phát triển quan hệ liên tục, ổn định; tiếp tục lan tỏa tình đoàn kết đặc biệt giữa Lào và Việt Nam là tài sản vô giá, là yếu tố bảo đảm cho sự độc lập và phát triển của hai nước", Đại sứ Lào phân tích.

Ngoài ra, theo Đại sứ Lào, chuyến thăm còn nhằm mục đích giáo dục thế hệ trẻ hai nước cần tiếp tục kế thừa để tiếp tục sứ mệnh bảo vệ, phát triển đất nước cũng như mối quan hệ mãi mãi bền vững.