Chia sẻ về công tác khuyến học, đại diện Hội Khuyến học quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian qua các phường đã vận động nhiều nguồn hỗ trợ tích cực cho học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc đạt thành tích cao trong học tập, giảng dạy vào những dịp: năm học mới, Tết thiếu nhi 1/6, Trung thu, Tết cổ truyền. Điển hình là các phường Chương Dương, Phúc Tân, Hàng Đào, Trần Hưng Đạo, Đồng Xuân, Tràng Tiền, Hàng Trống...

Phong trào xây dựng công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập có nhiều chuyển biến tích cực, tiến tới xây dựng quận Hoàn Kiếm trở thành quận học tập, góp phần đưa Hà Nội trở thành thành viên của thành phố học tập toàn cầu. Các cấp hội đã tích cực huy động nguồn lực để hỗ trợ học bổng cho hơn 1.000 lượt học sinh vượt khó, học tập tốt.

Hoạt động này đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Với sự hỗ trợ từ hội, nhiều gia đình đã bảo đảm được việc học tập cho con, cháu; nhiều tấm gương người lớn học tập, sáng tạo, điển hình tiên tiến xuất hiện trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

khuyen hoc1.jpg
Quận Hoàn Kiếm chú trọng xây dựng quỹ khuyến học các cấp. Ảnh: Hoàng Thanh.

Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực và nhân văn của Hội Khuyến học quận Hoàn Kiếm thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của quận. Hội Khuyến học quận đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian tới Hội Khuyến học quận tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.

Qua đó, tuyên truyền về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập hiện nay; xác định đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là một mục tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế, xã hội của quận.

Cùng với đó là tiếp tục củng cố xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, từ hội khuyến học quận đến các chi hội cơ sở; Tập trung xây dựng và phát triển quỹ khuyến học ở các cấp hội nhằm quan tâm, giúp đỡ thiết thực đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để các em tham gia học tập, kịp thời động viên, khen thưởng học sinh giỏi, học sinh diện chính sách, học sinh vượt khó; Động viên học sinh học nghề, khuyến khích hỗ trợ người lớn học tập thường xuyên, có nhiều sáng kiến, sáng tạo và chăm sóc các tài năng trẻ. 

Trước đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đã chỉ ra bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của một số đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; có nơi còn lúng túng khi triển khai.

Đưa ra những mục tiêu cụ thể, Nghị quyết nêu, phấn đấu đến năm 2025: Duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ đạt 99,5% trở lên; tỷ lệ người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt 95%; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, tỷ lệ lao động được qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55-60%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 50%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 50%...