Theo thống kê, việc huy động Quỹ Khuyến học của các dòng họ trong toàn huyện Ba Vì năm 2023 đạt trên 9 tỷ đồng. Điển hình như dòng họ Phạm Doãn, xã Tòng Bạt có Quỹ Khuyến học trên 1 tỷ đồng; dòng họ Bạch Công, xã Ba Trại có Quỹ Khuyến học trên 500 triệu đồng; dòng họ Nguyễn Sư Mạnh, xã Cổ Đô có quỹ trên 300 triệu đồng. Các dòng họ hàng năm đều tổ chức trao thưởng cho các em học sinh con em trong họ vào dịp giỗ họ hàng năm.

Hàng năm, Hội Khuyến học huyện phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên dương khen thưởng cho các em học sinh nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 khoảng 60 triệu đồng; chi khen thưởng học sinh thi đỗ đại học đạt kết quả xuất sắc: số lượng 30 em, với số tiền 90 triệu đồng; chi khen thưởng học sinh thi đỗ đại học đạt điểm cao: số lượng 100 em, kinh phí 50 triệu đồng; chi 60 triệu đồng khen thưởng cho các thầy, cô giáo nhân dịp 20/11. Hội Khuyến học huyện chi hỗ trợ các Hội Khuyến học cơ sở, các trường học hàng năm khoảng 100 triệu đồng.

Qua quá trình triển khai xã hội hóa công tác khuyến học trên địa bàn huyện Ba Vì, nhìn lại chặng đường qua: Năm 2019, toàn huyện huy động được trên 5 tỷ đồng, đến năm 2023, toàn huyện huy động được trên 16 tỷ đồng Quỹ Khuyến học.

Trong năm 2023, Hội khuyến học từ huyện tới cơ sở đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra. Các cấp Hội đã chủ động xây dựng Chương trình, kế hoạch công tác năm 2023; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; củng cố, phát triển tổ chức hội và hội viên. Đến nay, toàn huyện Ba Vì vẫn giữ vững số hội cơ sở là 31/31 xã, thị trấn với tổng số 675 chi hội, ban khuyến học.

Thường trực Hội Khuyến học huyện Ba Vì đã chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo Hội Khuyến học thành phố và các nhà hảo tâm để có nguồn lực triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài phong phú, hiệu quả có tác dụng lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực trong cộng đồng. Năm 2023, Hội Khuyến học huyện đã có số quỹ là 320 triệu đồng. Các địa phương cũng tích cực vận động triển khai xây dựng quỹ khuyến học, đến nay số quỹ của các cơ sở đạt trên 8,9 tỷ đồng.

ba vi.jpg
Hội Khuyến học huyện Ba Vì tổ chức triển khai nhiệm vụ 2024.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học huyện Ba Vì đã chú trọng tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, hội viên khuyến học; tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập và các mô hình. Năm 2023, toàn huyện có 57.733 cá nhân đạt danh hiệu công dân học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập chiếm tỷ lệ 28,6%; 52.040 hộ gia đình đạt mô hình “Gia đình học tập” chiếm tỷ lệ 68,4%; 320 dòng học được công nhận mô hình “Dòng họ học tập” chiếm 72,56%; 213 thôn, tổ dân phố được công nhận mô hình “Cộng đồng học tập” đạt tỷ lệ 58,7%; 137 đơn vị đạt “Đơn vị học tập” đạt tỷ lệ 100%.

Do đặc thù của huyện Ba Vì có rất nhiều các dòng họ sinh sống cố kết trong phạm vi làng, xã từ nhiều đời. Huyện đã triển khai việc xây dựng mô hình “Dòng họ học tập”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng điển hình và nhân rộng mô hình điển hình “Dòng họ học tập” trong toàn huyện. Năm 2023, Hội Khuyến học huyện đã tổ chức Hội thảo xây dựng “Dòng họ học tập” tại nhà thờ họ Phạm Doãn, xã Tòng Bạt. Đến nay toàn huyện có hơn 420 dòng họ đăng ký “Dòng họ khuyến học”. 

Có thể thấy, sau quá trình 20 năm hình thành và phát triển, đến nay đã có 28/31 xã, thị trấn của huyện Ba Vì đạt danh hiệu cộng đồng học tập cấp xã. Để có thành tích đó là nhờ sự cố gắng của hội khuyến học các cơ sở đã tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư 44 của Bộ GD-ĐT. Tiêu biểu là các xã Phong Vân, Tản Lĩnh, Tản Hồng, Cam Thượng, Yên Bài, Minh Quang, Cẩm Lĩnh, Sơn Đà, Tây Đằng, Tiên Phong, Thụy An, Vạn Thắng.

Các địa phương tiếp tục duy trì phong trào tiếng trống học bài, tạo nếp học bài buổi tối cho học sinh, góp phần làm cho các em chăm ngoan hơn, giỏi giang hơn. Đó là các xã Đồng Thái, Yên Bài, Cam Thượng, Phú Châu, Thuần Mỹ. Phong trào xây dựng xã hội học tập ở các địa phương đang được đẩy mạnh và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

“Khuyến học”: Cuốn sách quốc dân của Nhật Bản

“Khuyến học”: Cuốn sách quốc dân của Nhật Bản

Năm 1880 - thời điểm cuốn sách “Khuyến học” của tác giả Fukuzawa Yukichi được xuất bản, cứ 160 người Nhật thì có 1 người đọc cuốn sách này. “Khuyến học” có sức hút đối với đa dạng độc giả, từ tầng lớp tinh hoa tới bình dân.