Khuyến học, khuyến tài đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, để công tác khuyến học, khuyến tài đạt hiệu quả cao, cần có những tư duy mới, cách làm mới.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, công tác khuyến học còn bao gồm việc xây dựng các chương trình học tập linh hoạt, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động giáo dục.
Hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã và đang triển khai những phương pháp tiếp cận mới trong công tác khuyến học. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể học tập, phát triển kỹ năng một cách toàn diện.
Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai các phương pháp mới để thúc đẩy khuyến học. Năm 2023, Hà Nội đã vận động được hơn 191 tỷ đồng cho hoạt động khuyến học. Các phương pháp tuyên truyền mới cũng được triển khai một cách hiệu quả, bao gồm cả việc sử dụng những kênh truyền thông hiện đại, tổ chức sự kiện cộng đồng…
Ngoài ra, các nội dung sinh hoạt của Hội khuyến học các cấp cũng có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đi sát với nhu cầu của người dân và tạo được sự kết nối mạnh mẽ. Các mô hình học tập ngày càng được nhân rộng và triển khai đồng bộ đến từng cơ sở.
Hay Đà Nẵng cũng là địa phương có những bước tiến đáng kể trong công tác khuyến học, đặc biệt là việc tập trung xây dựng “thành phố học tập” với nhiều sáng kiến mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích học sinh.
Trong giai đoạn 2021- 2025, ngoài việc tiếp tục thực hiện các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" "Cộng đồng học tập cấp thôn/Tổ dân phố", các đơn vị, địa phương tại Đà Nẵng tiếp tục tập trung triển khai xây dựng mô hình "Công dân học tập" và "Đơn vị học tập cấp quận/huyện/ thành phố", trong đó, tập trung nhiều hơn vào việc tạo điều kiện học tập của người lớn, nâng cao chất lượng các mô hình học tập, tạo nền móng để xây dựng Đà Nẵng trở thành "thành phố học tập" vào năm 2025.
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao cũng tham gia hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân được sử dụng các thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc sách... để người lớn khi có thời gian rỗi sau giờ làm việc đến nghiên cứu học tập. Sở GD-ĐT cũng phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Khuyến học và các ngành kiểm tra việc sử dụng các thiết chế văn hóa và giáo dục tại địa phương phục vụ việc học tập của người lớn; phát động phong trào thi đua thực hiện tốt phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong toàn thành phố.
Tuy nhiên, một số địa phương cho biết trong công tác làm khuyến học, khó khăn nhất hiện nay chính là công tác phát triển quỹ khuyến học ở địa phương.
Chẳng hạn Hà Tĩnh, việc vận động quỹ luôn khó khăn nhưng địa phương này đã tăng cường vận động tham gia của các cấp lãnh đạo chính quyền, tăng cường xã hội hóa. Nhờ cách làm này, vài năm qua, địa phương tổ chức trao học bổng cho con em Hà Tĩnh đang theo học ở Hà Nội, TP.HCM và sắp tới tổ chức thêm ở Đà Nẵng.
Tỉnh Sơn La, trước đây một số huyện "trắng" quỹ nhưng hiện nay có những huyện vận động được hàng trăm triệu đồng, có huyện quỹ khuyến học lên đến hàng tỷ đồng.
Về công tác phát triển quỹ, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng các cấp hội cần nắm chắc doanh nghiệp, nắm vững tình hình, chủ động đề nghị để doanh nghiệp cùng tham gia khuyến học; đổi mới mạnh mẽ công tác khuyến học; theo sát đến cùng, nghiên cứu kỹ càng, tham mưu trúng về khuyến học - khuyến tài cho cấp ủy, chính quyền.
Theo bà Doan, sự đổi mới trong công tác khuyến học, khuyến tài không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Việc khuyến học cần được thực hiện một cách sáng tạo và linh hoạt, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng địa phương. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ và các doanh nghiệp.