Thời gian qua, Vĩnh Phúc được coi là "điểm sáng" khuyến học khi đã đẩy mạnh thực hiện đầu tư phát triển giáo dục, chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Vĩnh Phúc hiện có 1 Hội Khuyến học cấp tỉnh, 9 Hội Khuyến học cấp huyện, 136 Hội Khuyến học cấp xã và hơn 1.900 chi hội khuyến học; gần 2.200 Ban khuyến học với 373.000 hội viên, chiếm hơn 29% dân số của tỉnh.

Công tác xây dựng và phát triển Quỹ khuyến học được chú trọng, hiện tổng Quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt hơn 100 tỷ đồng. Trong năm 2023, các cấp Hội Khuyến học đã tuyên dương, khen thưởng, trao học bổng và hỗ trợ 21 tỷ đồng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Năm 2024, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, tập trung xây dựng 5 mô hình học tập gồm: công dân học tập, dòng họ học tập, gia đình học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập.

Đồng thời, tỉnh đổi mới và tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thúc đẩy việc học tập suốt đời trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cùng với đó, tích cực nêu gương và nhân rộng các mô hình học tập điển hình; củng cố và phát triển tổ chức hội vững mạnh, mở rộng thành lập chi hội và Quỹ Khuyến học trong doanh nghiệp, bệnh viện, lực lượng vũ trang; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập suốt đời của người dân, nhất là tại các trung tâm học tập cộng đồng; phấn đấu xây dựng Quỹ Khuyến học tại 9/9 huyện/thành phố và một số xã có Quỹ Khuyến học có tư cách pháp nhân hoạt động bảo toàn vốn.

Thành phố Vĩnh Yên là một điểm sáng khuyến học của tỉnh Vĩnh Phúc. Thời gian qua, thành phố Vĩnh Yên Thành phố tập trung củng cố, phát triển các tổ chức Hội Khuyến học và Quỹ Khuyến học ở cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội Khuyến học các cấp.

ngo quyen.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (Tp. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Facebook nhà trường.

Đến nay, Vĩnh Yên có Hội Khuyến học cấp thành phố, 9 Hội Khuyến học xã, phường, 159 chi hội khuyến học, 57 ban khuyến học với hơn 31.000 hội viên khuyến học, chiếm 24,3% dân số thành phố.

Thực hiện vai trò nòng cốt trong việc xây dựng XHHT, Hội Khuyến học các cấp trên địa bàn thành phố đã tích cực vận động các nhà tài trợ cho công tác KH-KT, xây dựng XHHT.

Hiện, Quỹ Khuyến học thành phố đạt gần 1,1 tỷ đồng; Quỹ Khuyến học các xã, phường đạt gần 2,4 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đó, hàng nghìn lượt học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, người có thành tích tự học của thành phố được tuyên dương, khen thưởng…

Thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030”, Vĩnh Yên đã gắn phong trào xây dựng XHHT với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân, các cấp chính quyền, các tổ chức, đơn vị về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và xây dựng XHHT trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác xây dựng XHHT của thành phố Vĩnh Yên đạt kết quả tích cực, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; chất lượng giáo dục đứng đầu tỉnh với tỷ lệ học sinh giỏi tăng về số lượng và chất lượng; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT cao, nhất là thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Giao SD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các văn bản về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của các đơn vị, bố trí thời gian phù hợp để định kỳ nghe báo cáo về công tác này.

Cùng với đó là kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp; cấp kinh phí để Hội Khuyến học các cấp triển khai các hoạt động; nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh phát triển bền vững.