Theo hãng tin RT, đây là tuyên bố của Đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger, vào đêm ngày 16/3. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay lập tức.
Quyết định được đưa ra sau chuyến thăm Niger trong tuần này của giới chức Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi Molly Phee đứng đầu, và có sự tham gia của Tướng Michael Langley, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ. Nhóm quan chức Mỹ đã gặp gỡ một số quan chức cấp cao Niger, nhưng không gặp Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu chính quyền Niger sau cuộc đảo chính dẫn đến việc Tổng thống Mohamed Bazoum bị phế truất vào tháng 7/2023.
"Niger lấy làm tiếc khi phái đoàn Mỹ có ý định phủ nhận quyền của người dân Niger trong việc lựa chọn các đối tác, và hình thức phối hợp đủ khả năng giúp chúng tôi chống lại chủ nghĩa khủng bố", ông Abdramane nói.
Cũng theo ông, phía Mỹ đã không tuân theo nghi thức ngoại giao, và không thông báo cho Niger về chương trình nghị sự cũng như ngày đến.
Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền quân sự Niger cũng đã cắt đứt quan hệ với một số đối tác quân sự cũ của Niamey. Theo đó, Pháp đã hoàn tất việc rút quân khỏi Niger vào tháng 12/2023.
Tuy nhiên, Mỹ cho rằng việc rút quân khỏi Niger không phải là một lựa chọn, và tuyên bố sẽ tạo dựng mối quan hệ “thực tế” với chính quyền quân sự mới ở Niger.
Mỹ hiện có khoảng 648 binh sĩ ở Niger, và hầu hết đóng quân tại căn cứ máy bay không người lái (UAV) ở Agadez hay còn gọi là Căn cứ Không quân 201 trị giá 100 triệu USD. Theo Lầu Năm Góc, các chuyến bay của UAV Mỹ ở Niger hiện chỉ giới hạn ở mục đích thu thập thông tin tình báo, trong khi các nhiệm vụ "chống khủng bố" có vũ trang phần lớn vẫn bị tạm dừng.
Trong khi đó, vào tháng 1, Nga và Niger đã đồng thuận phát triển “hợp tác quân sự và kỹ thuật song phương”, cũng như phối hợp ổn định tình hình an ninh ở khu vực Sahel Tây Phi, sau cuộc hội đàm tại Moscow giữa Bộ trưởng Quốc phòng Niger Salifou Modi và những người đồng cấp Nga.