Luật quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi; thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe; có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật; tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng...

Công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi

Công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại ngày luật có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. Công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm. 

202411261556550000_z6071080817285_9afb695fec350eb2c88fa2954567399f.jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật. Ảnh: Quốc hội

Về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, Luật Công chứng sửa đổi quy định: Công chứng viên chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng về bất động sản và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, huỷ bỏ các giao dịch này theo quy định của pháp luật.

Về địa điểm công chứng, luật quy định việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Có ý kiến đề nghị mở rộng các trường hợp công chứng ngoài trụ sở nhằm cung cấp dịch vụ công đến với người dân một cách thuận lợi nhất, đặc biệt là giúp người dân tại địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ công chứng…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp của giao dịch, bảo đảm tính xác thực về chủ thể tham gia giao dịch.

Yêu cầu tiên quyết của việc công chứng là bảo đảm chất lượng văn bản công chứng nên cần có quy trình, thủ tục chặt chẽ trong hoạt động công chứng.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ, dự thảo Luật quy định cụ thể 4 trường hợp công chứng ngoài trụ sở.

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết một số trường hợp công chứng ngoài trụ sở trong trường hợp có lý do chính đáng khác là phù hợp. Việc này nhằm bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc công chứng ngoài trụ sở và vẫn phân cấp cho Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm linh hoạt, thuận tiện... 

Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.