Ngày 12/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 và Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Bộ sách là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú, độ tin cậy cao, rất có giá trị cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn”.
Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, Bộ sách đã khái quát chặng đường phát triển đầy tự hào, thành tựu nổi bật cũng như khó khăn, thách thức của ngành Công Thương. Vượt lên trên các trang sử là số phận, đóng góp thầm lặng, hy sinh quên mình của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên cho Tổ quốc và sự phát triển của ngành.
Bà Đặng Thị Ngọc Thu, Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương cho biết, việc khảo cứu và xác minh tư liệu lịch sử chiếm nhiều thời gian trong quá trình biên soạn bộ sách nhưng đem lại nhiều cảm xúc nhất cho các tác giả. Cả nhóm đã áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu giúp tái hiện lịch sử ngành Công Thương và nền kinh tế một cách liền mạch, đa chiều, đồng thời cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý kinh tế.
“Đó là bài học xử lý các mối quan hệ: giữa nhà nước và thị trường; giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sản xuất - kinh doanh; giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát…”, bà Thu khẳng định.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chú ý đến nguồn tư liệu để các tác giả nghiên cứu và dẫn giải trong công trình này: “Có thể đánh giá nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, độ tin cậy cao là một trong những ưu điểm nổi bật của Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam”.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Đào tạo trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thành công nổi bật của công trình là thể hiện một cách tương đối hệ thống, toàn diện quá trình lịch sử hình thành, phát triển của các ngành Công nghiệp và Thương mại Việt Nam trong suốt 7 thập kỷ qua.
“Cách biên soạn khá linh hoạt và uyển chuyển, cùng với việc phân tích số liệu, trong từng giai đoạn lịch sử, công trình đan cài nhiều hình ảnh, bảng biểu nhất là các ô “sự kiện và nhân chứng lịch sử” khiến cho nội dung diễn giải trở nên sinh động, hấp dẫn hơn đối với người đọc”, ông Khánh nhận định.