Thoạt nghe về nghề tư vấn tài chính, có lẽ nhiều người liên tưởng đến nghề nghiệp liên quan đến ngân hàng, các quỹ tín dụng, quỹ đầu tư… Tuy nhiên, vài năm lại đây ở Hà Nội rộ lên những đường dây "tư vấn tài chính" thực chất là cho vay nặng lãi. Không ít người trót sa chân vào chẳng thể thoát ra nổi. Có thoát được cũng phải trả giá rất đắt...
1. Rất dễ nhận diện một kẻ cầm đầu đường dây "tư vấn tài chính" ở Hà Nội. Đầu trọc lốc, thường xuyên đeo kính đen, trên người lúc nào cũng xủng xoẻng dây chuyền vàng chóe, xài điện thoại Vertu… Long "khòng" - chủ một đường dây “tư vấn tài chính” tại khu vực Chợ Mơ là một người như vậy!
Trước kia chỉ là một chân loong toong trong một tiệm cầm đồ, nhưng chỉ một thời gian sau Long "khòng" đã vụt trở thành một trong những "ngôi sao" trong giới "làm tài chính". Qua sự giới thiệu của một người bạn thân thiết với Long, chúng tôi được nghe anh ta kể về những mánh lới trong nghề.
"Làm tài chính" - bản chất cũng hệt như hoạt động của một ngân hàng", đó là câu khẳng định đầu tiên của Long. Vì hầu như chẳng một tay chủ nào một lúc có số vốn hàng vài chục tỉ cả. Để dựng được cơ ngơi như hôm nay, Long cũng phải đi vay ở rất nhiều anh em, bạn bè. Kẻ góp công người góp của, và Long sẽ trả lãi tháng cho họ với lãi suất thường là gấp đôi lãi suất ngân hàng. Dĩ nhiên, cũng phải tạo cho mình uy tín cỡ nào thì mới có thể vay được chừng ấy tiền.
Khi đã có một số vốn kha khá rồi, thì phải xây dựng cho mình một đội ngũ "tay chân" thiện chiến, có khả năng dọa dẫm ép buộc những con nợ buộc phải "nôn" tiền ra trả. Đồng thời cũng phải ít nhiều có quan hệ với phía chính quyền, hoặc dựa hơi những "ông anh" có tai có tiếng thì mới giữ được "lãnh địa" hoạt động.
Trang rao vặt của một đường dây “tư vấn tài chính” ở Hà Nội. |
Cũng theo Long "khòng", đa số dân làm tài chính đều đã từng có thời gian làm cầm đồ. Và ngược lại, những tiệm cầm đồ chính là bình phong để dân làm tài chính khởi nghiệp.
Có vẻ như thời gian gần đây, nghề này ngày một "phất" lên ở Hà Nội. Khi mà những tờ rơi cho vay lãi được rải, được dán ở rất nhiều khu vực đông người, những rao vặt cũng được phổ biến trên mạng, và thậm chí còn cả những tin nhắn chào mời. Một nhân viên trong nghề "tài chính" bật mí với chúng tôi, chỉ với 1 tỉ đồng cùng dăm chiếc xe máy, mỗi tháng dân "tài chính" có thể làm ra vài trăm triệu đồng lãi.
Thử làm một con tính đơn giản, mặt bằng cho vay lãi hiện nay là mỗi ngày con nợ sẽ phải trả từ 2.000-3.000 đồng tiền lãi cho 1 triệu đồng vay. (Có những trường hợp lãi lên tới 5.000-7.000 đồng/ngày). Vay 100 triệu đồng thì con nợ sẽ phải trả chừng 6-10 triệu đồng (hoặc nhiều hơn) tiền lãi mỗi tháng. Thoạt nghe thì có vẻ ít, nhưng bài toán dùng 100 triệu "kinh doanh" gì để trả lãi được số này cũng không hề đơn giản. Đa phần các con nợ đều "lỗ chổng vó", và buộc phải kéo dài thời gian vay nợ. Từ đó lãi mẹ đẻ lãi con, chẳng mấy chốc số nợ phải trả thành một con số "khủng".
Chưa hết, không phải tự nhiên mà có thể vay được tiền từ các đường dây làm tài chính. Để vay được vài chục triệu đồng, người vay phải có một số loại giấy tờ như hộ khẩu Hà Nội, hay có tài sản thế chấp. Trường hợp "tay không bắt giặc" thì nguy cơ vỡ nợ là rất cao. Khi đó, con nợ sẽ phải thuê một chiếc xe máy với giá 150 ngàn đồng/ngày, và dùng chính chiếc xe này làm tài sản thế chấp. Vay 100 triệu đồng, sau chừng 3 tháng lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền con nợ phải trả đã gấp đôi số tiền vay.
Đó mới chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế thì muôn hình vạn trạng. Nếu là khách quen, hoặc có "ông anh" nào đó bảo kê con nợ có thể vay được nhiều tiền với lãi suất thấp. Còn là khách lạ thì sẽ phải vay với mức giá cắt cổ. Vay 100 triệu đồng trong 10 ngày riêng tiền lãi đã lên đến cả chục triệu đồng.
Một ổ nhóm chuyên bắt giữ người trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cướp tài sản liên quan đến tín dụng đen trước vành móng ngựa. |
Cũng theo một dân “làm tài chính” lâu năm, khách hàng ưa thích của họ là giới công chức và đám sinh viên. Hai đối tượng này luôn "khát" tiền cho nhu cầu tiêu xài cá nhân, thậm chí là chơi lô đề và đánh bạc, cá độ bóng đá…
2. Có thể nói, đã dây vào tín dụng đen thì con nợ buộc phải chịu số tiền lãi cắt cổ. Và chỉ cần chậm trả một ngày, con nợ sẽ bị khủng bố tinh thần, thậm chí bị côn đồ đến làm khó. Một vụ việc điển hình như vào đầu năm 2014, do cần tiền để kinh doanh, chị Nguyễn Hồng Vân (trú tại Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vay bà Trần Thanh H. số tiền 125 triệu đồng với lãi suất 7.000 đồng/triệu/ngày. Chị Vân phải viết giấy vay tiền của một đối tượng tên Nguyễn Công Tùng (SN 1988) ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm), hàng ngày phải trả tiền lãi cho Tùng.
Ngày 13/5, chị Vân tiếp tục hỏi vay bà H. thêm 25 triệu đồng. Chủ nợ đồng ý nhưng yêu cầu chốt lãi suất với tổng số tiền vay gốc là 150 triệu và 50 triệu đồng tiền lãi được tính thành khoản vay 200 triệu đồng. Bà H. đưa ra yêu cầu chị Vân phải trả số tiền nợ trên theo hình thức "chơi họ" trong vòng 100 ngày, mỗi ngày trả 2 triệu đồng.
Tiền đã vay, giấy đã ký nên hàng ngày chị Vân đều đặn trả cho Tùng 2 triệu đồng. Trả được 2 tuần thì chị Vân cạn vốn, gọi điện thoại cho Tùng xin khất nợ. Ngay tối hôm đó, Tùng huy động 2 đàn em là Đặng Văn Sang (SN 1992), Lê Quang Cảnh (SN 1993) cùng ở Thụy Phương mang theo hung khí kéo đến nhà bố mẹ đẻ của chị Vân để đòi tiền. Thấy chị Vân không có nhà, cả bọn đã đập phá tài sản. Vụ việc sau đó đã được Công an quận Bắc Từ Liêm giải quyết. Ổ nhóm của Tùng đã bị bắt giữ, truy tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tuy nhiên, có thể nói dân “làm tài chính" hiện nay đều rất ranh mãnh, luôn hạn chế việc dính dáng đến pháp luật. Thủ đoạn đòi nợ thường chỉ dừng lại ở việc khủng bố tinh thần như nhắn tin, gọi điện "nhắc nhở, dọa dẫm" con nợ và người nhà.
Nhưng cao thủ hơn, có những đường dây "làm tài chính" lại có thủ đoạn rất tinh vi, khiến cho khách hàng bị mất nhà như bỡn. Đường dây của đối tượng Chu Trường G. là một ví dụ.
Tết Ất Mùi vừa qua có thể nói là cái tết buồn bã nhất đối với ông Nguyễn Văn H. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và gia đình. Nỗi lo canh cánh phải ra đường khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên. Mọi cơ sự cũng chỉ vì ông mắc bẫy một đường dây tư vấn tài chính.
Một số đối tượng đòi nợ thuê bị bắt giữ cùng hung khí. |
Số là đầu năm 2013 ông H. có nhu cầu vay một số tiền là 150 triệu đồng để cho người con trai làm vốn mở cửa hàng. Ban đầu ông định vay ngân hàng, song thấy thủ tục rắc rối và việc giải ngân chậm nên ông chuyển sang "vay nóng". Được một người bạn mách có thể vay từ G. - một chủ tiệm cầm đồ trên quận Hai Bà Trưng - "tiền tươi" mà thủ tục rất nhanh chóng, ông H. lập tức liên hệ.
Ban đầu, ý định của ông H. chỉ vay trong chừng 1 tháng. Tháng sau sẽ có người ở nước ngoài gửi tiền về để "đập" vào trả. Do đó ông đã nhanh chóng đáp ứng mọi yêu cầu của G. đưa ra. Và chính từ sự mất cảnh giác đó mà ông H. đã lâm vào tình trạng khốn khổ như hiện nay.
G. nói với ông rằng cần một tài sản thế chấp. Ông H. đã giao cho G. sổ đỏ một mảnh đất hơn 100m2 tại quận Hà Đông (Hà Nội) để "làm tin". Thậm chí ông H. còn ra văn phòng công chứng để… chuyển quyền sử dụng mảnh đất cho G.
Sau 1 tháng, ông H. chưa thể trả ngay mà đề nghị với G. cho ông vay thêm một vài tháng nữa, G. lập tức đồng ý. Nhưng khi ông H. có đủ tiền trả G., muốn đòi sổ đỏ miếng đất về thì mới tá hỏa khi nghe G nói cuốn sổ đang ở trong… ngân hàng. Và khi nào ông trả đủ số nợ của G. cho ngân hàng thì mới được mang sổ về.
Cũng giống như ông H., chị Hà Thu T. (trú tại Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) vay G. khoảng 800 triệu đồng và đồng ý giao cho G. một mảnh đất cả trăm mét vuông, trị giá chừng 4-5 tỉ đồng. Anh Hoàng Văn B. vay của G. 300 triệu đồng, cũng đưa cho G cuốn sổ đỏ mảnh đất gần trăm mét vuông… Tất cả sau đó đã bị G. đem thế chấp tại ngân hàng để vay một khoản chừng 20 tỉ đồng. Khi số nợ này G. chưa trả được, tất cả số sổ đỏ kia cũng buộc phải nằm im một chỗ. Và các con nợ lâm vào tình cảnh, đất là của mình song không thể mua bán, chuyển nhượng, sửa sang xây cất gì cả. Bởi muốn làm những việc đó thì phải có sổ đỏ!
Đọc đến đây chắc hẳn nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, tại sao các con nợ lại "ngây thơ" đến mức giao sổ đỏ cho G., chỉ để vay một số tiền trị giá bằng 1/5, 1/10 giá trị của mảnh đất đó? G. đã lợi dụng vào lòng tin của các bị hại, đồng thời "lách" được những kẽ hở trong hoạt động ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn tinh vi của G. là ở chỗ, mỗi người vay đều phải tiến hành một thủ tục bắt buộc là ra văn phòng công chứng để chuyển quyền sử dụng đất của họ cho hắn. Nhưng để cho người vay giảm đi nỗi lo rằng sẽ có thể bị mất đất, G. sẽ viết cho họ một tờ giấy viết tay, có nội dung đại ý khi mà con nợ trả đủ tiền cho G. thì G. sẽ có trách nhiệm trả lại sổ đỏ cho họ.
Và khi mà G. đã "vỡ nợ", các bị hại tố cáo hành vi lừa đảo của G. lên Cơ quan Công an. Cơ quan Công an đã tiến hành điều tra về vụ việc, song để có thể áp dụng pháp luật hình sự trong vụ việc này thì quả rất khó. Một điều tra viên thuộc Công an Hà Nội cho chúng tôi biết, việc mua bán, chuyển quyền sử dụng đất của các bị hại cho G. đã được chứng thực - đây chính là giấy tờ có giá trị pháp lý cao hơn giấy viết tay. Vì thế mà rất khó cho các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể xử lý hình sự được với G. Hiện tại, G. cũng đã bặt tăm!
(Theo CAND)