Sầu riêng 'vua' rớt giá thê thảm
Gần đây, tại TP.HCM, sầu riêng Musang King xuất hiện ngày càng nhiều nhưng giá liên tục giảm. Báo Người Lao Động thông tin, tại các cửa hàng trái cây cao cấp, giá mặt hàng này dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg, giảm 50% so với 2 năm trước, trong khi ở các vựa sầu riêng, giá chỉ còn 150.000-200.000 đồng/kg với lý do "hàng về nhiều".
Anh Nguyễn Văn (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cho hay, gần đây, rất nhiều nhà vườn đã chặt bỏ sầu riêng Musang King vì không có hiệu quả kinh tế để trồng giống Ri 6 hoặc Dona.
"Lúc trước, sầu riêng Musang King giá cao hơn các giống phổ biến trong nước 2-3 lần còn có lời, nay giá xuống thì thua trắng. Bởi vì trồng sầu riêng Musang King đòi hỏi kỹ thuật khó, năng suất thấp, giá thành cao", nông dân này chia sẻ.
Khách Âu - Mỹ mua gạo Việt với giá đắt đỏ
Gạo Việt Nam đang được các quốc gia từ Á sang Âu, Mỹ mua với giá đắt đỏ, góp phần giúp ngành hàng này thu về gần 2,9 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.
5 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang thị trường Brunei lên tới 959 USD/tấn; xuất khẩu sang Mỹ có giá 868 USD/tấn, sang Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn... Trong khi đó, giá bình quân xuất khẩu gạo Việt 5 tháng đầu năm nay neo ở ngưỡng 638 USD/tấn. (Xem thêm)
Thịt nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam
Báo Dân Việt dẫn số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 76.120 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 140 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 32,1% về lượng và 28,6% về trị giá.
Lũy kế 5 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 304.850 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với tổng trị giá 597 triệu USD, tăng 29% về lượng và 25,2% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ghi nhận tại thị trường thịt đông lạnh nhập khẩu tại các vùng, thịt lợn đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ hơn 30-40% so với hàng trong nước.
Hạt điều giá đang rẻ, doanh nghiệp chi 1,8 tỷ USD nhập
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, nước ta xuất khẩu hơn 353.500 tấn điều nhân, tăng mạnh 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị thu về gần 1,95 tỷ USD, tăng 18,7%.
Ở chiều ngược lại, tranh thủ lúc giá đang rẻ, các doanh nghiệp chi ra 1,8 tỷ USD để nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn hạt điều. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu điều tăng 8,4% về lượng, còn giá trị chỉ tăng nhẹ 3,4%.
Nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Việt Nam là Campuchia. Hạt điều Campuchia chiếm 55,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của nước ta trong nửa đầu năm nay. (Xem thêm)
Một loại ‘thần dược’ của Việt Nam được Lào, Đài Loan ồ ạt nhập khẩu
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nhuyễn thể có vỏ của nước ta đạt 63 triệu USD. Theo đó, hầu hết mặt hàng nhuyễn thể đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Đáng chú ý, sau khi tăng trưởng đột phá trong năm 2023, xuất khẩu hàu - loại hải sản được ví như “thần dược” giá rẻ của Việt Nam - tiếp tục tăng trưởng mạnh, thu về gần 7 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay.
Lào và Đài Loan (Trung Quốc) đang ồ ạt nhập khẩu hàu của Việt Nam, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay. (Xem thêm)
Một sản phẩm trong ngành hàng thế mạnh 11 tỷ USD xuất khẩu tăng hơn 8.000%
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu trứng cá của nước ta trong những tháng vừa qua lại tăng trưởng đột biến.
Trong tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu khoảng 316 tấn trứng cá với giá 16,7 USD/kg (tương 417.000 đồng/kg), thu về 5,3 triệu USD. So với tháng cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu trứng cá tăng 831% về lượng và tăng đột biến 6.110% về giá trị. Nguyên nhân do giá trứng cá xuất khẩu bình quân tăng gần 567% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu 1.336 tấn trứng cá, thu về 22,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu trứng cá tăng đột biến 1.362% về lượng và tăng tới 8.395% về giá trị. (Xem thêm)
Nông dân 'lao đao' khi giá lươn thương phẩm giảm mạnh
Khoảng vài năm trước, theo Báo Tin Tức, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng ở tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân nhờ giá bán lươn thịt khá cao, từ 150.000-180.000 đồng/kg.
Nhưng từ giữa năm 2022 đến nay, giá lươn thương phẩm liên tục sụt giảm và duy trì ở mức thấp làm giảm lợi nhuận, thậm chí có người nuôi còn bị thua lỗ.
Hai năm trở lại đây giá lươn thịt chỉ từ 85.000-90.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm rớt giá còn 75.000 đồng/kg. Hiện, giá lươn thịt bằng một nửa so với thời điểm đầu năm 2022 (90.000 đồng/kg).
Trái ngược với giá lươn thương phẩm, giá thức ăn dành cho loài vật nuôi này lại liên tục tăng. Vì vậy, người nuôi rất khó có lời và đa số họ đều giảm quy mô, nuôi theo kiểu cầm chừng để tránh thua lỗ.
Giá vé máy bay tăng trở lại
Sau khi hạ nhiệt vào tháng 6, giá vé máy bay có dấu hiệu tăng trở lại khi mùa du lịch bước vào thời điểm sôi động. Theo khảo sát của PV Báo Tiền Phong, nhiều chặng, giá vé tăng đến hơn 2 triệu đồng/vé, khiến không ít hành khách hủy vé, chuyển sang đi du lịch bằng phương tiện khác với điểm đến ngắn hơn.
Ngày 16/7, giá vé máy bay từ Hà Nội đến các điểm du lịch “nóng” như Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc, Cần Thơ... đều tăng mạnh trở lại. Thời điểm trước tháng 7, giá vé các chặng này từ 2,3-4 triệu đồng/vé/chiều (đã bao gồm thuế phí). Song hiện các chặng này giá vé tăng thêm từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/vé.
“Nóng” nhất vẫn là chặng Hà Nội - Côn Đảo , khi từ ngày 16/7 đến hết tháng 9, trên trang traveloka.com, giá vé hạng phổ thông từ 3,4-5,2 triệu đồng/vé/chiều, cao hơn từ 1,1-2,3 triệu đồng so với cách đây nửa tháng.