Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố công khai Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời đang lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Báo VietNamNet xin chuyển đến bạn đọc các ý kiến đóng góp cho dự thảo này.

Bài 1: Xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại: Chuyện không mới
 

Ngày 17/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet. Dự thảo được công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan.

Một trong những thay đổi quan trọng đó là dự thảo bổ sung quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước phải ngăn chặn, gỡ bỏ ngay các nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Trường hợp không xử lý theo yêu cầu, Bộ TT&TT triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các trang thông tin điện tử, ứng dụng, nền tảng cung cấp dịch vụ.

Các nội dung "nhạy cảm" cần được gỡ bỏ ngay lập tức trên các nền tảng mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung thêm quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia. Quy định này được xem là sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc công ty cổ phần truyền thông Buzi, hiện nay việc lan truyền thông tin đang diễn ra chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội trong nước cũng như xuyên biên giới, nếu không xử lý kịp thời các thông tin xấu, độc hại… có thể dẫn đến những ảnh hưởng rất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt, các tin tức tiêu cực không đúng về chính sách cũng sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, cũng như hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Chính vì vậy, việc yêu cầu các tổ chức trong và ngoài nước gỡ bỏ ngay lập tức thông tin vi phạm và khoá các tài khoản vi phạm sẽ góp phần giải quyết được rất nhiều vấn đề, đặc biệt sẽ làm sạch được không gian mạng. Lúc đó các nền tảng sẽ quản lý chặt các thông tin của người dùng đưa lên hơn và người dùng cũng sẽ có trách nhiệm với nội dung của mình tạo ra.

Ông Trần Viết Quân, CEO Tanca cho rằng, cần làm rõ loại vi phạm nào phải xử lý trong bao lâu để tránh lây lan các thông tin giả mạo, độc hại… riêng với các vấn đề về an ninh quốc gia phải được xử lý ngay lập tức, còn đối với các vi phạm khác cần cho nền tảng có thời gian xác minh để xử lý, bởi để xem nó là nội dung sai phạm hay không còn phải xem các chế tài liên quan đến hành vi này.

Đồng quan điểm, đại diện một nền tảng xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam cũng cho biết, hiện đối với các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh quốc gia nền tảng đã gỡ bỏ ngay lập tức, thậm chí cơ quan quản lý chỉ cần nhắn đường dẫn tới thông tin vi phạm là thực hiện ngay việc gỡ bỏ chứ không cần phải gửi công văn qua.

Tuy nhiên, đối với các hành vi vi phạm khác, cần phải có đơn vị có thẩm quyền xác định cơ sở vi phạm ở đâu thì nền tảng mới gỡ được. Đây là quy định chung trên toàn cầu. Một trong những vấn đề đặt ra là luật phải quy định rõ ràng và áp dụng chung cho mọi đối tượng. 

Ông Lê Hoàng Trọng, Chủ tịch công ty giải pháp công nghệ Vĩnh Thịnh cũng chia sẻ, với các quy định như trên khi được đưa vào luật sẽ góp phần làm sạch được không gian mạng hiện nay. Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp vi phạm cần đưa ra các mốc thời gian cụ thể để các nền tảng trong nước và xuyên biên giới đưa ra các phương án giải quyết.

"Các nội dung vi phạm liên quan đến an ninh quốc gia, livestream liên quan đến chính trị, tự tử hay giết người, tin giả… việc gỡ bỏ ngay lập tức là cần thiết. Đối với các hành vi vi phạm khác, chẳng hạn như vi phạm về bản quyền thì đòi hỏi cần có thời gian để các nền tảng đi xác minh, rất khó để các nền tảng thực hiện việc gỡ bỏ vi phạm ngay lập tức được", ông Lê Hoàng Trọng cho biết.

Bài 3: Quản lý bằng luật để đưa hoạt động livestream vào nề nếp