Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố công khai Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời đang lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Báo VietNamNet xin chuyển đến bạn đọc các ý kiến đóng góp cho dự thảo này.

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định thay thế là những quy định được bổ sung nhằm quản lý hoạt động livestream (truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực) tại Việt Nam.

Cụ thể, chỉ các mạng xã hội có giấy phép (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT&TT (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream). 

Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, chỉ những người dùng đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định mới được livestream trên mạng xã hội.

Những buổi livestream của nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng từng thu hút sự chú ý lớn từ phía người dùng mạng, dù có nhiều nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. 

Bình luận về chính sách này, ông Nguyễn Lạc Huy, quản lý mạng đa kênh Schannel Network ủng hộ việc cần có những quy định cụ thể để quản lý và kiểm soát hoạt động livestream trên mạng. Theo vị chuyên gia này, chỉ có kiểm soát bằng pháp luật thì hoạt động livestream hiện nay mới đi vào nề nếp. 

Cần phải có hình phạt cho những người làm sai mới có thể giúp ích cho sự phát triển chung của thị trường. Với hành vi vi phạm pháp luật trên mạng, thay vì xử phạt bằng tiền, cơ quan quản lý nên có thêm chế tài đủ sức răn đe hơn, ví dụ như buộc những người vi phạm phải lao động công ích”, ông Huy đề xuất. 

Trao đổi với VietNamNet, quản lý một mạng đa kênh lớn tại Việt Nam cho hay, việc Nhà nước có quy định quản lý hoạt động livestream là hành động nên làm và đúng ra đã phải làm từ lâu. 

Hoạt động của các creator (nhà sáng tạo nội dung) thường phải chịu nhiều rủi ro do chưa có các quy định pháp luật cụ thể. Dự thảo ban hành quy định quản lý hoạt động livestream sẽ là bước khởi đầu cho nhiều chính sách khác, buộc các nền tảng phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo nội dung. 

Đóng góp thêm góc nhìn, vị chuyên gia này cho rằng, Nhà nước nên có hành lang pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện cho thị trường dịch vụ nội dung số phát triển. Tuy nhiên, với chính sách quản lý livestream, nên có cơ chế thử nghiệm (sandbox) để thị trường được cởi mở hơn và tự đào thải những hành vi phản cảm. 

Bộ TT&TT vừa đề xuất thêm nhiều chính sách mới về quản lý hoạt động livestream trên mạng.

Theo ông Nguyễn Đăng Quỳnh, nhà sáng lập Vitamin Network, nơi quản lý nhiều tài khoản Food Reviewer nổi tiếng như Tiểu Màn Thầu, Hoa Hậu Vỉa Hè, Em Ly Review, Mỏ khoét Hà Nội,..., trước cả khi quy định mới được đề xuất, mạng quảng cáo này đã đăng ký định danh cho tất cả các tài khoản trong hệ thống.

Công ty chúng tôi được đặt tên là “Vitamin” cũng chỉ vì muốn truyền tải những nội dung tích cực, được xác thực, người dùng nhận được thông tin bổ ích và nền tảng có sự cạnh tranh công bằng”, CEO Vitamin Network nói. 

Ông Quỳnh cho rằng, việc định danh và siết chặt quản lý hoạt động livestream sẽ giúp hạn chế tình trạng bán hàng giả, hàng chất lượng kém. Điều này cũng sẽ có lợi hơn cho cả nền tảng cung cấp dịch vụ livestream, các mạng đa kênh và những nhà sáng tạo nội dung muốn làm ăn chân chính. 

Cơ quan quản lý Nhà nước càng làm chặt thì các đơn vị làm ăn chân chính càng có nhiều cơ hội phát triển. Thị trường livestream bán hàng tại Việt Nam vì thế cũng sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn. Người dùng khi đó cũng được hưởng lợi, bởi sẽ không còn tình trạng nội dung bẩn, giang hồ mạng. 

Bài 4: Ngăn chặn người vi phạm trên Internet cần quan tâm đến tính khả thi