Nguồn cung chip AI hạn chế là một thách thức lớn đối với sự bùng nổ AI diễn ra từ năm 2023. Người đứng đầu hai hãng chip giá trị nhất thế giới đã gặp nhau ở Đài Bắc (Trung Quốc) để bàn về vai trò của TSMC với tư cách nhà sản xuất chip Nvidia, vốn có mặt trong phần lớn hệ thống đào tạo AI tạo sinh trên toàn cầu.
Nhà sáng lập TSMC Morris Chang cũng tham dự bữa tối cùng ông Huang và CEO C.C. Wei hôm 24/1.
Ông Huang đến Đài Loan (Trung Quốc) vài ngày sau khi hoàn thành chuyến công tác ở đại lục lần đầu sau 4 năm vào thời điểm Mỹ cấm Nvidia bán chip cao cấp nhất cho Trung Quốc.
Dù Nvidia tiết lộ khá ít về chuyến công tác này, ông Huang lại thoải mái chia sẻ về vai trò của Đài Loan và TSMC trong việc kinh doanh của Nvidia cũng như ngành công nghiệp bán dẫn nói chung. Ông cho biết thách thức lớn nhất trong AI là việc mở rộng công suất của AI.
“Vì thế, chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ, TSMC, tất cả đối tác cung ứng nguồn của chúng tôi ở đây đều đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu. Năm nay sẽ là năm rất tuyệt”, ông nói.
Trước đó, người đứng đầu Nvidia cảnh báo việc Mỹ leo thang lệnh trừng phạt có thể thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển sản phẩm thay thế, ảnh hưởng xấu đến những công ty Mỹ đầu ngành trong dài hạn. Tỷ phú nhắc đến Huawei như một đối thủ tiềm năng. Năm 2023, Huawei khiến toàn thế giới sốc khi giới thiệu chip tiên tiến sản xuất ở Trung Quốc trong smartphone mới.
Nvidia tăng hơn gấp ba vốn hóa trong năm ngoái nhờ vai trò quan trọng trong phát triển AI. Công ty đã thiết kế các phiên bản bán dẫn dành riêng cho Trung Quốc nhằm tuân thủ các hạn chế của Mỹ.
AI bùng nổ cũng củng cố việc kinh doanh của TSMC. Tuần trước, nhà thầu sản xuất chip lớn nhất thế giới dự đoán chi phí vốn tăng và tăng trưởng doanh thu ổn định.
Sinh ra tại Đài Loan, ông Huang được xem như một ngôi sao tại hòn đảo nơi kinh tế phụ thuộc vào công nghệ và bán dẫn. Truyền thông địa phương thường xuyên đưa tin về ông và thậm chí còn chiếu cả clip ông ghé thăm một quán mỳ.
Ông Huang cũng công nhận bán dẫn là ngành công nghiệp quan trọng nhất của hòn đảo và gọi nó là “ngành công nghiệp máy tính tái sinh”.
(Theo SCMP)