Một nhà máy memory chip nằm giữa Seoul (Hàn Quốc) và Bắc Kinh (Trung Quốc) minh họa cho những lựa chọn khó khăn mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc phải đối mặt khi họ cố gắng hạn chế thiệt hại từ cuộc chiến công nghệ của Mỹ với Trung Quốc.

Nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix đã mua nhà máy Đại Liên ở phía đông bắc Trung Quốc từ Intel với giá 9 tỷ USD vào năm 2020. Thương vụ được cho là sẽ giúp nhà sản xuất bộ nhớ số hai thế giới củng cố công suất và mở rộng sang các chip tiên tiến tại thị trường chip lớn nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, tham vọng chưa thành thì SK Hynix đã rơi vào một mạng lưới phức tạp các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với bán dẫn.

34358 20191210214956811 113696455.jpg
Nhà máy Intel ở Đại Liên, Trung Quốc được SK Hynix mua lại. (Ảnh: firstxw)

Vài năm trôi qua từ khi khép lại thương vụ, SK Hynix vẫn trong tình trạng lấp lửng, không thể thực hiện các kế hoạch vốn hóa lớn tại nhà máy. Một nhà máy mới đã thành hình ở phía sau nhưng chưa rõ có chứa bất kỳ thiết bị nào để sản xuất chip hay không, chứ đừng nói đến các chất bán dẫn tiên tiến có thể đảm bảo lợi nhuận vững chắc từ khoản đầu tư khổng lồ của hãng. Logo của Intel vẫn nằm trên mặt tiền bằng kính màu xanh biển lấp lánh của khu phức hợp nhà máy.

Dù vậy, dường như khó khăn của công ty được giải tỏa phần nào sau khi Mỹ cho SK Hynix và Samsung Electronics miễn trừ vô thời hạn để tiếp tục đưa một số thiết bị cao cấp vào Trung Quốc. Song, không có gì đảm bảo những miễn trừ đó sẽ được giữ nguyên, đặc biệt nếu ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và trở lại Nhà Trắng, theo Bloomberg.

Nhà phân tích Masahiro Wakasugi tại Bloomberg Intelligence nhận xét, nhà máy SK Hynix cho thấy vị thế khó khăn của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc do các hạn chế của Mỹ. Ngay cả khi Mỹ nhượng bộ, SK Hynix có lẽ chưa vội tăng công suất ở Đại Liên do không chắc chắn về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và chính sách của Mỹ sau đó.

Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực bán dẫn để thúc đẩy tăng trưởng. Điều đó khiến nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước nỗ lực của Washington nhằm cắt giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc và hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh đối với công nghệ chip quan trọng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng Hàn Quốc có khả năng thiệt hại lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu hai siêu cường kinh tế tách rời.

"Hàn Quốc như đi trên dây trong việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc", Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao tại Viện Kinh tế Hàn Quốc cho biết. "Các công nghệ quan trọng liên quan đến chất bán dẫn và pin EV tạo ra cơ hội kinh tế, nhưng cũng dễ gây tổn thương cho các công ty Hàn Quốc".

Nhà máy SK Hynix ở Đại Liên chuyên về bộ nhớ flash NAND 3D dùng trong điện thoại thông minh và các thiết bị khác. NAND đóng góp ngày càng lớn trong doanh thu của công ty, khoảng 27% trong số đó đến từ Trung Quốc. Tính cả DRAM, thị phần chip nhớ của Hàn Quốc khoảng hơn 60%.

Theo chuyên gia Wakasugi, dù các sản phẩm hiện tại ở Đại Liên phần lớn nằm ngoài hạn chế của Mỹ, SK Hynix có thể nhìn xa hơn để bảo đảm tính cạnh tranh cho nhà máy về lâu dài. Giấy phép miễn trừ cho phép SK Hynix và Samsung nhập khẩu thiết bị chip của Mỹ trong khi vẫn giới hạn công nghệ lưỡng dụng tiên tiến nhất. Các công ty nhận trợ cấp theo Đạo luật Chips bị cấm mở rộng sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc hơn 5% trong 10 năm.

Lựa chọn cắt lỗ và bán nhà máy có thể sẽ cần sự chấp thuận của chính phủ Mỹ và Washington khó có thể bật đèn xanh cho việc bán cho một nhà thầu Trung Quốc.

Việc miễn trừ "làm giảm đáng kể" rủi ro xung quanh hoạt động của SK Hynix tại Trung Quốc, CEO SK Hynix Kwak Noh-jung cho biết hồi đầu tháng này tại một cuộc họp báo. Công ty từ chối bình luận về những tác động nếu ông Trump trúng cử và phủ nhận tin đồn đang tìm cách bán nhà máy.

Hãng chip Hàn Quốc khẳng định sẽ duy trì hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tuân thủ các quy định và luật pháp tại các khu vực pháp lý mà họ kinh doanh và sẽ làm phần việc của mình vì sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Cái khó của Hàn Quốc

Kể từ thời điểm Bộ Thương mại đưa ra các hạn chế đối với việc sử dụng công nghệ chip tiên tiến của Mỹ chỉ hơn một năm trước, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc đã làm việc suốt ngày đêm để đàm phán với các đồng nghiệp Mỹ nhằm cố gắng nắm bắt tác động của chúng.

Về phần mình, SK Hynix và Samsung đã tăng chi tiêu cho các nhà vận động hành lang ở Mỹ để cố gắng phản ánh lo ngại của họ ở Washington, trong khi liên lạc chặt chẽ với Bộ Thương mại Hàn Quốc.

chip korea.jpg
Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong thăm quan một nhà máy bán dẫn Samsung tại Pyeongtaek, Hàn Quốc ngày 20/5/2022. (Ảnh: Yonhap)

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun coi những nỗ lực của Tổng thống Yoon Suk Yeol là yếu tố thay đổi cuộc chơi, xoa dịu đáng kể khó khăn cho các nhà sản xuất chip ở Trung Quốc, đặt nền móng cho các quan chức Hàn Quốc thuyết phục chính quyền Mỹ rằng các sản phẩm Hynix từ Đại Liên là vô hại.

Nhưng ngay cả như vậy, ông Ahn thừa nhận rằng triển vọng không hoàn toàn rõ ràng đối với các nhà sản xuất chip Hàn Quốc và các doanh nghiệp phụ thuộc khác. Theo ông, xét đến những rủi ro chính trị bất ngờ, “bạn không bao giờ biết loại chính sách nào sẽ đến". Không chỉ ở Mỹ, nhiều quốc gia hiện đang chờ đợi kết quả bầu cử mới.

Quyết định miễn trừ cho Samsung và SK Hynix để đưa thiết bị Mỹ vào Trung Quốc phản ánh sự cần thiết phải duy trì một dòng chip ổn định chảy vào các công ty lớn của Mỹ bao gồm Apple, Microsoft và Alphabet. Gần 20% doanh thu Apple đến từ Trung Quốc, họ cũng là là khách hàng lớn nhất của SK Hynix, theo phân tích chuỗi cung ứng của Bloomberg.

Nhà sản xuất iPhone còn tiêu thụ linh kiện Samsung nhiều nhất dù điện thoại Galaxy là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ.

Chỉ riêng trên cơ sở đó, việc tiếp tục sử dụng sản phẩm từ các nhà máy Hàn Quốc ở Trung Quốc vẫn rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng cho nhiều sản phẩm của Apple.

Dù vậy, Washington vẫn duy trì đòn bẩy của mình với Hàn Quốc. Mỹ cũng có ảnh hưởng lớn thông qua việc kiểm soát bí quyết sản xuất chip và Đạo luật Khoa học và Chips, tài trợ 100 tỷ USD cho các công ty xây dựng nhà máy trên đất Mỹ.

Mặc dù chưa nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào, SK Hynix cho biết sẽ đầu tư 15 tỷ USD vào một nhà máy đóng gói chip ở Mỹ, còn Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, cũng đăng ký xin trợ cấp cho nhà máy dự kiến ở Taylor, Texas.

Theo Bloomberg Intelligence, Mỹ thống trị một nửa trong số 10 giai đoạn sản xuất chip quan trọng như khắc, lắng đọng plasma và phún xạ, còn Nhật Bản và Hà Lan kiểm soát phần còn lại, bao gồm làm sạch tấm wafer và in thạch bản. Điều đó có nghĩa là vai trò của Hàn Quốc với tư cách là nhà sản xuất chip phụ thuộc vào công nghệ, vật liệu và chuyên môn được cung cấp chủ yếu bởi Mỹ và các đồng minh. Để đảm bảo luôn đi đầu trong lĩnh vực chip, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc cần sự hợp tác của các công ty Mỹ chứ không phải các công ty Trung Quốc.

Đi hay ở là mối quan tâm lớn nhất của các công ty Hàn Quốc đang điều hành các doanh nghiệp ở Trung Quốc, theo Ryu Jin, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc. "Mối quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng, đó là lý do tại sao họ vẫn đang cân nhắc phải làm gì", ông Jin nói tại một cuộc họp báo ở Seoul vào cuối tháng 12/2023.

Khi một số doanh nghiệp Hàn Quốc đang định hướng lại, dữ liệu thương mại cho thấy xu hướng hướng về Mỹ. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc song xuất khẩu hằng tháng sang Mỹ đã vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ trong dữ liệu được công bố vào đầu năm 2024.

Đó là một dấu hiệu khác cho thấy dù Hàn Quốc đang cố gắng giữ cho các lựa chọn của mình ở cả Trung Quốc và Mỹ càng cởi mở càng tốt, họ đã nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ khi các nhà hoạch định chính sách và các công ty thay đổi chiến lược để đối phó với cuộc chiến công nghệ đang định hình lại thương mại, đường dây cung ứng và liên minh trên toàn cầu.

"Các công ty Hàn Quốc sẽ cần phải đưa ra một số quyết định khó khăn khi cân nhắc rủi ro, áp lực và cơ hội phát ra từ cả Mỹ và Trung Quốc", Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, người từng dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với Seoul, nhận xét. Ngay cả với các lệnh miễn trừ, họ vẫn phải dè chừng những gì có thể xảy ra trong tương lai.

(Theo Bloomberg)