Sàn thương mại điện tử Shopee đứng đầu bảng xếp hạng ở Indonesia và Việt Nam, theo báo cáo thương mại điện tử ASEAN quý III/2019 vừa được iPrice Group công bố (Ảnh minh họa) |
Ứng dụng Shopee, Lazada “so kè” trên di động
Báo cáo thương mại điện tử khu vực ASEAN trong quý III năm nay vừa được iPrice – Cổng thương mại điện tử tại 7 thị trường (gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Hong Kong, Thái Lan và Việt Nam) công bố. Báo cáo là kết quả hợp tác giữa iPrice Group cùng App Annie và SimilarWeb.
Theo nghiên cứu của iPrice, cả hai sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada đều sở hữu các ứng dụng di động mạnh với số lượng người dùng cao trong quý III/2019. Trong đó, Lazada đứng đầu bảng xếp hạng tại 4/6 quốc gia được nghiên cứu, đó là: Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Còn với Shopee, sàn thương mại điện tử này đứng đầu bảng xếp hạng ở Indonesia và Việt Nam, hai thị trường thương mại điện tử đã được Google đánh giá là có tiềm năng phát triển cao nhất ASEAN.
Shopee và Lazada so kè về lượng người sử dụng ứng dụng hàng tháng tại các nước ASEAN (Nguồn: iPrice Group) |
Bên cạnh hai doanh nghiệp Shopee và Lazada, một số sàn thương mại điện tử đáng chú ý khác trong bảng xếp hạng ứng dụng di động khu vực ASEAN là Tokopedia - kỳ lân đến từ Indonesia, cùng với Sendo và Tiki của Việt Nam.
Cụ thể, ứng dụng di động của Tiki và Sendo lần lượt xếp hạng 8 và 9 toàn khu vực về số lượng người sử dụng hàng tháng. Riêng Sendo còn xuất hiện trong top 5 ứng dụng thương mại điện tử được tải xuống nhiều nhất trong quý III/2019. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2019, Sendo và Tiki cũng được Google đánh giá là có tiềm năng trở thành những kỳ lân công nghệ trong tương lai.
Sự “trỗi dậy” của các website thương mại điện tử nội địa
Cũng trong báo cáo mới công bố, iPrice Group nhận định, trong khi ứng dụng di động tiếp tục là cuộc so kè của Shopee và Lazada thì trên nền tảng website, các công ty nội địa lại có phần thắng thế.
Cụ thể, tại Indonesia, Tokopedia tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng về lượng truy cập website trong quý III năm nay. iPrice cũng thông tin thêm, thông tin mới nhất cho biết công ty này đang đặt tham vọng gọi vốn lên đến 1,5 tỷ USD.
Còn tại Việt Nam, Sendo, Thegioididong và Tiki đều lần lượt xếp trên đại gia Lazada trong bảng xếp hạng. Đây cũng đánh dấu lần đầu tiên Sendo có mặt trong Top 2. Cùng với đó, theo iPrice, sau nhiều quý liền tăng trưởng về lượng truy cập website, Sendo mới đây đã hoàn tất gọi vốn thêm 61 triệu USD.
Top 5 website thương mại điện tử nhiều lượt truy cập nhất tại 6 nước ASEAN trong quý III năm nay (Nguồn ảnh: iPrice Group) |
Đáng chú ý, báo cáo mới được iPrice Group công bố còn chỉ ra các xu hướng mới của thương mại điện tử ASEAN từ đầu năm 2019 cho đến nay. Cụ thể, theo báo cáo, 9 trong số 10 ứng dụng có lượng người dùng cao nhất trong quý III/2019 thuộc về các sàn thương mại điện tử đa ngành, chỉ duy nhất 1 sàn thuộc về công ty chuyên doanh một ngành hàng (Zalora).
“Điều này cho thấy khi lựa chọn mua sắm trên di động, người tiêu dùng Đông Nam Á có xu hướng chuộng các ứng dụng cung cấp đa dạng sự lựa chọn về mặt hàng”, chuyên gia iPrice Group nhận xét.
Bên cạnh đó, báo cáo của iPrice cũng nhấn mạnh đến sự xuất hiện bất ngờ của Wish - ứng dụng thương mại điện tử đến từ Mỹ, tại các thị trường ASEAN trong quý III vừa qua.
Chỉ trong vòng một quý, Wish đã len lỏi vào Top 10 ứng dụng thương mại điện tử tại 5/6 quốc gia (trừ Việt Nam) và là ứng dụng được tải về nhiều thứ 4 trong toàn khu vực ASEAN. Tại Mỹ, Wish nổi tiếng với khả năng cung cấp đa dạng mặt hàng ở mức giá rẻ và phù hợp các nhu cầu ngách của người mua.
Xếp hạng ứng dụng thương mại điện tử được dùng nhiều nhất và tải xuống nhiều nhất ASEAN trong quý III/2019 (Nguồn ảnh: iPrice Group) |
Một xu hướng nữa cũng được iPrice Group lưu ý trong báo cáo mới công bố là sự trỗi dậy của khái niệm “shoppertainment” – kết hợp giữa mua sắm và giải trí tại khu vực ASEAN.
Cụ thể, trong năm 2019 này, gần như đồng loạt các sàn thương mại điện tử lớn trong khu vực đều thử nghiệm tính năng livestream ngay trên ứng dụng mua sắm, đồng thời liên kết với các siêu sao giải trí để thu hút người mua đến với các chương trình livestream giải trí kết hợp bán hàng.
Đơn cử như, Lazada lần đầu ra mắt tính năng này vào tháng 3/2019 và mời nữ nghệ sĩ Dua Lipa biểu diễn live nhân dịp lễ sinh nhật của họ. Shopee đã tung ra tính năng tương tự vào tháng 6/2019 và ký hợp đồng với siêu sao bóng đá Ronaldo cho chiến dịch lễ mua sắm 9/9.
Trong ngày hội mua sắm 11/11 vừa qua, Shopee Philippines đã tổ chức một buổi livestream kéo dài đến 12 giờ đồng hồ. Trong chương trình này, rất nhiều phần quà và mã giảm giá hấp dẫn đã được trao tặng, trong đó có 5 chiếc điện thoại iPhone 11 mới.
Còn tại Việt Nam, sau một thời gian thử nghiệm, hồi tháng 9/2019, trước thềm các dịp lễ mua sắm cuối năm, Tiki đã tung ra tính năng TikiLIVE ngay trên ứng dụng di động của họ. Một quý sau khi tính năng này ra mắt, Tiki tăng một bậc trên bảng xếp hạng lượt tải về tại Việt Nam, vượt qua Lazada và lọt vào Top 3 toàn quốc.