Ứng dụng di động của Shopee đứng đầu toàn quốc trong quý 2 năm nay về cả lượng khách hàng sử dụng hàng tháng và số lượt tải về, theo bảng xếp hạng các ứng dụng thương mại điện tử lần đầu được iPrice Insights và App Annie Intelligence công bố. (Ảnh minh họa: Internet) |
Shopee chiếm ưu thế
Nghiên cứu về nền kinh tế số 2018 do Google và Temasek thực hiện cho thấy có đến 90% dân số toàn Đông Nam Á hiện truy cập Internet chủ yếu thông qua các thiết bị điện thoại di động thông minh.
Đi cùng với xu hướng đó, vai trò của ứng dụng di động đối với thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam cũng ngày càng lớn hơn, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp TMĐT trong việc tiếp cận và tăng tỉ lệ chuyển đổi của khách hàng. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019 mới được Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành, tỷ lệ đặt mua hàng trực tuyến qua thiết bị di động tiếp tục tăng trưởng, từ con số 75% năm 2017 lên đạt 81% trong năm 2018; trong khi tỷ lệ người mua sắm trực tuyến qua máy tính để bàn/máy tính xách tay đã giảm từ 65% (năm 2017) xuống 61%.
Với mong muốn mang lại một cái nhìn rõ hơn về tình hình cạnh tranh của các ứng dụng TMĐT tại Việt Nam, iPrice Insights phối hợp cùng App Annie công bố nghiên cứu xếp hạng top các ứng dụng TMĐT đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nghiên cứu của iPrice xếp hạng các ứng dụng TMĐT theo hai tiêu chí được đo theo công nghệ của App Annie: tổng số lượt tải về của ứng dụng và số lượng người sử dụng trung bình hàng tháng của các ứng dụng (Monthly Active Users - MAU). Nếu như con số lượt tải về cho thấy ứng dụng nào đang thành công nhất về mặt thu hút người sử dụng mới thì số MAU lại giúp chỉ ra những ứng dụng đang làm tốt việc giữ chân khách hàng và khiến họ thường xuyên tương tác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong quý 2/2019, ứng dụng di động của sàn thương mại điện tử Shopee giữ vị trí số 1 toàn quốc trong cả hai bảng xếp hạng.
Shopee từ lâu đã theo đuổi chiến lược “mobile-first”, đặt nền tảng di động là ưu tiên. Từ năm 2018, họ tập trung đầu tư vào các hoạt động thu hút khách hàng đến với ứng dụng di động, đáng lưu ý có chiến dịch quảng cáo Baby Shark gây bão trên Youtube hay chương trình “Ngày hội mua sắm 4.0” phát sóng trực tiếp trên HTV2 trong ngày 11/11 năm ngoái.
Bên cạnh các chiến dịch marketing để hút lượt tải về, Shopee cũng phát triển ứng dụng của họ để nó ngày càng tiện dụng hơn. Trong một bài báo cáo, Công ty nghiên cứu thị trường Econsultancy đã phân tích: “Shopee tập trung vào ứng dụng di động ngay từ đầu và xây dựng giao diện người dùng xung quanh mục tiêu ấy. Định hướng của họ khiến cho trải nghiệm mua sắm trên di động với Shopee trở nên rất nhanh và trực quan”.
Theo Bản đồ TMĐT quý 2/2019, Shopee cũng đồng thời đang dẫn đầu thị trường TMĐT cả nước về số lượt truy cập website trung bình hàng tháng.
Xếp thứ hai sau Shopee trên bảng xếp hạng về lượng người sử dụng là ứng dụng của Lazada Việt Nam. Đáng chú ý là trong khi lượng truy cập vào website của Lazada giảm liên tục nhiều quý, sàn này lại có lượng truy cập cao trên ứng dụng di động. Điều đó minh chứng cho xu hướng tập trung tiếp cận khách hàng trên di động của Lazada trong các năm gần đây.
Theo iPrice, trong một bài phát biểu hồi năm ngoái, ông Jing Yin, đồng Chủ tịch Lazada Group cho biết: "Người mua hàng sẽ nhanh cảm thấy chán khi dùng ứng dụng di động hơn so với khi dùng máy vi tính. Vì vậy, với những công nghệ mà chúng tôi đang sử dụng, chúng tôi cần làm cho chúng trở nên thật hấp dẫn và cung cấp nội dung đúng nhu cầu của khách hàng". Và hướng đi đó cho đến thời điểm này đã cho kết quả tốt khi khách hàng đang có mức độ tương tác cao với ứng dụng của Lazada.
Bất ngờ từ Sendo
Bất ngờ lớn nhất từ nghiên cứu này chính là thứ hạng của sàn TMĐT Sendo. Ứng dụng di động của Sendo xếp hạng nhì toàn quốc trong quý 2 về số lượt tải về, đồng nghĩa là Sendo đang rất thành công trong việc lôi kéo thêm người sử dụng.
Nghiên cứu của iPrice cũng chỉ ra rằng, không những thế, Sendo còn có mặt trong top 5 toàn Đông Nam Á về số lượt tải về của ứng dụng di động. Sendo cũng là công ty duy nhất có xuất xứ Việt Nam trong top 5 này, sánh cùng Shopee, Lazada và hai “kỳ lân” Tokopedia và Bukalapak của Indonesia.
Theo chuyên gia iPrice, tương tự như Shopee, thành công này của Sendo là kết quả tất yếu của việc công ty đã sớm mạnh dạn đầu tư vào ứng dụng di động.
Ra đời từ năm 2012, sau 4 năm phát triển nền tảng web, Sendo bắt đầu chuyển các hoạt động kinh doanh sang di động. Theo nhận định của Tổng giám đốc Sendo Trần Hải Linh, tốc độ phát triển của điện thoại mấy năm gần đây tăng rất nhanh vì giá Internet rẻ, điện thoại mạnh hơn đáng kể và giá thành thấp. Khi độ phổ cập đến mức đấy thì mọi người dùng ứng dụng nhiều và sự dịch chuyển đến rất tự nhiên.
"Chiến lược này cũng phù hợp với định hướng tập trung vào thị trường tỉnh lẻ từ trước đến nay của Sendo. Một lượng rất lớn khách hàng ở tỉnh lẻ hiện truy cập Internet thông qua các thiết bị di động, việc có một sản phẩm ứng dụng di dộng mạnh sẽ giúp Sendo tiếp cận đối tượng khách hàng này hiệu quả hơn các đối thủ", chuyên gia iPrice phân tích.
Chuyên gia iPrice nhấn mạnh: "Những câu chuyện thành công của Shopee, Lazada và Sendo cho thấy sức hút và tầm quan trọng của nền tảng di động đối với cuộc chơi TMĐT tại Việt Nam. Nó cũng đồng thời chỉ ra một thực tế là với cuộc chiến TMĐT tại Việt Nam hiện tại, vốn mạnh chưa phải là tất cả, mà sự nhanh nhạy trước những thay đổi của thị trường và nhu cầu mới của người tiêu dùng cũng mang tính quyết định cho thành bại cho các sàn TMĐT".