Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, cho hay thống kê kết quả học tập của sinh viên các khoá 2021 và 2022 có nhiều bất ngờ. Cụ thể, kết quả học tập của sinh viên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và bằng kết quả học tập THPT (xét học bạ) là tương đồng.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển học bạ là 21 điểm và điểm chuẩn thường là 26 điểm.

414370162 396163446302589 3484323479314916830 n.jpg
Kết quả học tập của sinh viên khoá tuyển sinh 2022 của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Hai phương thức xét tuyển bằng đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển có phổ điểm lệch phải nhiều hơn, chứng tỏ sinh viên xét bằng 2 phương thức này có năng lực nhỉnh hơn. Theo ông Nhân đây là cơ sở để nhà trường tăng chỉ tiêu cho 2 phương thức ưu tiên xét tuyển và đánh giá năng lực trong 2023, 2024 và các năm tiếp theo. 

Trường ĐH Công Thương TP.HCM cũng công bố tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp đại học các năm 2019 đến 2023. Trong đó, kết quả sinh viên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như sau: Tỷ lệ sinh viên Xuất sắc: 0,21 %; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi: 6,56 %; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Khá: 69,24 %; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Trung bình: 23,98%.

416155748 1090980788755698 2226319631703760683 n.jpg
Kết quả học tập của sinh viên khoá tuyển sinh 2021 của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM 

Kết quả xét tuyển bằng học bạ THPT như sau: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Xuất sắc là 0,24%; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi là 5,44%; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Khá là 65,12%; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Trung bình là 29,2%.

Từ đó, Trường ĐH Công Thương TP.HCM đánh giá kết quả học tập qua các phương thức tuyển sinh của thí sinh xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương thí sinh xét bằng phương thức học bạ. Tuy nhiên sinh viên tốt nghiệp năm 2022, 2023, tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh xét bằng phương thức học bạ gần tiệm cận với tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh xét phương thức điểm THPT.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho hay, con số trên cho thấy, kết quả xét tuyển bằng học bạ THPT cũng tương tự như xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Với mức điểm trúng tuyển hàng năm bằng điểm học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12, là từ 22 - 27 điểm và mức điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng từ 18 - 25 điểm.

Tuy nhiên, ông Phạm Thái Sơn cũng cho rằng, có thể các trường đại học khác nhau kết quả khác và có thể kết quả cuối cùng là do quá trình chăm sóc sinh viên nhà trường. Nhà trường luôn quan niệm, chăm sóc sinh viên (khách hàng) tốt kết quả sẽ tốt hơn. 

Tại Trường ĐH Công Thương TP.HCM, nhiều năm gần đây, số sinh viên nghỉ học có chưa tới 20 sinh viên/năm. Trong đó, sinh viên nghỉ học chủ yếu vì đi du học, do công việc gia đình... "Nếu các em có vấn đề gì về học phí, phòng công tác sinh viên sẽ có nhiều cách để các bạn nợ lại học phí", đại diện trường chia sẻ.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy hiện tại của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển khác nhau. Kết quả được thực hiện dựa trên dữ liệu của hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển trong 3 năm 2021, 2022 và 2023.

Trong 2 năm 2021 và 2022, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: Tuyển thẳng, xét kết quả học tập THPT và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đến năm 2023, trường bổ sung phương thức xét tuyển mới kết hợp kết quả học tập THPT với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tự tổ chức.

419871921 1067484694456723 2379504398894273106 n.jpg
Thống kê của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về kết quả học tập của sinh viên

Cụ thể, năm 2020 điểm trung bình tích lũy của sinh viên phương thức tuyển thẳng ở mức 3,31/4,0; phương thức kết quả học tập THPT 3,19/4,0 và điểm thi tốt nghiệp THPT 2,94/4,0.

Sinh viên khóa trúng tuyển 2021, điểm trung bình tích lũy các phương thức trên lần lượt gồm: 3,34/4,0; 3,22/4,0; 3,06/4,0.

Khóa trúng tuyển 2023, điểm trung bình phương thức tuyển thẳng 3,22/4,0; phương thức xét kết quả học bạ THPT 2,96/4,0; phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2,85/4,0; phương thức kết hợp điểm học tập THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đạt 3,22/4,0.

Ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết kết quả học tập của sinh viên được xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả học tập THPT đều cao hơn so với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng thấp hơn so với nhóm phương thức tuyển thẳng (tuyển thẳng bao gồm cả tuyển thẳng theo tiêu chí Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển của trường).

Riêng phương thức thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp với học bạ, sau 1 năm học tập, sinh viên trúng tuyển phương thức này có kết quả học tập trung bình ở mức 3,22/4,0. Kết quả này tương đương với tuyển thẳng và rất khả quan".

Năm ngoái, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dành tối đa 10% chỉ tiêu xét điểm trung bình 3 môn theo kết quả học tập 6 học kỳ THPT (xét học bạ). Trong đó, 4 ngành có điểm chuẩn ở mức trên 29 gồm: Sư phạm Hóa học, Sư phạm Toán học, Sư phạm Sinh học và Sư phạm Vật lý.

"Dựa trên kết quả này, dự kiến năm 2024 trường vẫn tiếp tục duy trì các phương thức tuyển sinh như năm 2023. Đồng thời, trường cũng dự kiến tăng thêm chỉ tiêu và tăng thêm số ngành sử dụng phương thức này"- ông Quốc nói.