Thành phố Vũ Hán, nơi ở của 11 triệu dân, và cũng là nơi dịch viêm phổi bùng phát hiện đã có hàng nghìn ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế lo ngại rằng, số liệu thực tế có thể cao hơn rất nhiều, do số bệnh nhân trên chỉ phản ánh số ca dương tính với virus corona sau hai lần được xét nghiệm. Ngoài ra, với việc Trung Quốc đang thiếu thốn các bộ dụng cụ xét nghiệm y tế, thì số liệu được công bố hiện nay thấp hơn nhiều so với con số thực tế.
Giáo sư chuyên khoa hô hấp David Hui Shu-cheong thuộc Đại học Hong Kong nhận định, số liệu công bố ca nhiễm tại thành phố Vũ Hán chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm’, bởi số liệu trên chỉ phản ánh số ca nhiễm được xác nhận bởi các bệnh viện.
“Có rất nhiều ca bệnh trong cộng đồng (ở Vũ Hán) vẫn chưa được xét nghiệm, không giống như tại Hong Kong, khi các ca nhiễm được xử lý thận trọng hơn, bao gồm cả những ca nhiễm bệnh nhẹ. Chẳng hạn trong số 15 ca nhiễm bệnh tại Hong Kong, có 10 trường hợp không cần phải thở oxy”, SCMP trích lời ông Hui nói.
Bác sĩ David Hui Shu-cheong. Ảnh: SCMP |
Trong khi đó, ông Li Lanjuan thuộc Uỷ ban Y tế Trung Quốc trả lời phỏng vấn CCTV hôm 3/2 cho biết, bởi không có đủ các dụng cụ xét nghiệm y tế tại Vũ Hán, nên “không phải ai cũng được xét nghiệm”.
“Tất cả những việc như phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, cách ly sớm và điều trị sớm đều không thể thực hiện tại Vũ Hán hiện nay. Tôi hy vọng rằng cả nước sẽ hỗ trợ cho thành phố Vũ Hán hơn nữa”, ông Li nói khi đang đi giám sát tình hình dịch bệnh tại thủ phủ tỉnh Hồ Bắc.
Nhiều bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Vũ Hán cho biết, hiện các bộ xét nghiệm virus đang rất hạn chế, và chỉ có một số ít các bệnh nhân dương tính với virus corona mới ‘may mắn’ được các bệnh viện xác nhận và điều trị. Thậm chí một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán nói rằng, lực lượng y tế bệnh viện này chỉ có thể xét nghiệm cho 100 bệnh nhân mỗi ngày, và số bệnh nhân trên cần chờ tới 48 giờ để nhận kết quả.
“Khi Uỷ ban Y tế Quốc gia công bố số ca nhiễm bệnh, thì trên thực tế số liệu đó lại là từ hai ngày trước. Chúng tôi phải ‘quay lưng’ với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, bởi chúng tôi biết rằng những bệnh nhân trên sẽ quay trở lại khi tình trạng bệnh của họ tồi tệ hơn. Nhưng chúng tôi không có đủ không gian trong trung tâm xét nghiệm, hay giường bệnh”, vị bác sĩ giấu tên này nói.
Bác sĩ về các bệnh truyền nhiễm Joseph Tsang Kay-yan tại Hong Kong nhận định, việc thiếu thốn các bộ xét nghiệm y tế tại Vũ Hán đồng nghĩa với việc khả năng của các bác sĩ sẽ hạn chế trong việc chẩn đoán số ca nhiễm bệnh.
Việc thiếu dụng cụ xét nghiệm khiến số liệu công bố người nhiễm thấp hơn nhiều so với thực tế. Ảnh: THX |
“Có khá nhiều bệnh nhân tử vong vì các triệu chứng giống như viêm phổi đã không được chẩn đoán tại Vũ Hán từ hồi tháng 12/2019, khi những bộ dụng cụ xét nghiệm vẫn chưa được cung cấp. Những trường hợp trên nên được điều tra và tính vào số liệu chính thức nếu đã xác nhận nhiễm bệnh. Chính đây là những yếu tố khiến số liệu báo cáo chính thức không được chuẩn xác”, ông nói.
Chính phủ Trung Quốc hôm 3/2 cho biết, việc sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm bị đình trệ bởi đợt nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng sẽ sớm đi vào hoạt động.
“Tới ngày 1/2, mỗi ngày chúng tôi sản xuất được khoảng 773.000 bộ xét nghiệm, gấp khoảng 40 lần số ca nhiễm bệnh thêm trong cùng thời điểm. Hiện chúng tôi mới chỉ đạt 60-70% công suất, và mục tiêu của chúng tôi là sẽ đạt 100% hiệu suất sản xuất”, kỹ sư Tian Yulong thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung quốc nói.
Số liệu từ SCMP và Tân Hoa xã tới rạng sáng ngày 4/2 cho biết, toàn Trung Quốc đã có 425 người tử vong và hơn 20.600 người bị nhiễm virus viêm phổi corona. Ngoài ra, hiện ‘quốc gia tỷ dân’ đang có hơn 221.000 người từng tiếp xúc với các bệnh nhân, trong đó có 171.330 trường hợp đang được cách ly và theo dõi.
Tuấn Trần