Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được nói đến rất nhiều tại Việt Nam trong thời gian dài vừa qua. Nhiều giải pháp của các công ty công nghệ trong và ngoài nước đang được nhiều doanh nghiệp đưa vào ứng dụng để vận hành. Tuy nhiên, với hàng nghìn giải pháp AI được cung cấp như hiện nay, doanh nghiệp lựa chọn giải pháp miễn phí hay thu phí cũng không đơn giản.

AImienphi
Doanh nghiệp nên sử dụng các phiên bản AI miễn phí để thử nghiệm trước khi chọn giải pháp thu phí. Ảnh: Lê Mỹ

Theo ông Đặng Hải Lộc, CEO & CTO tại AIV Group, để phổ cập và tạo thói quen sử dụng AI cho người dùng, nhiều công cụ AI hiện nay vẫn có các gói miễn phí. Các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng các gói này để phổ cập cho nhân viên.

Do chi phí vận hành của AI là rất cao nên về lâu dài, các đơn vị cung cấp cũng sẽ giới hạn các gói miễn phí và chuyển đổi sang thu phí nhiều hơn. Chẳng hạn, gần đây, nền tảng Coze của ByteDance đã giảm gần 100 lần mức sử dụng miễn phí và bắt đầu thu phí ở mức tương đối cao. Điều này khiến cho nhiều người dùng miễn phí trên nền tảng này bị bất ngờ và phải tìm kiếm các nền tảng thay thế khác.

Do đó, theo CEO của AIV Group, doanh nghiệp nên tận dụng giai đoạn miễn phí để học hỏi và thử nghiệm, từ đó xác định được các hạng mục mà ứng dụng AI sẽ mang lại hiệu quả. Sau đó, họ cần chuẩn bị ngân sách cho việc đưa vào sử dụng lâu dài.

Một vấn đề nữa được ông Đặng Hải Lộc đặt ra là nhìn ở diện rộng, nếu các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào các giải pháp AI nước ngoài, thì sẽ phải chịu chi phí sử dụng cao, chưa kể các vấn đề về bảo mật dữ liệu... Để ứng dụng AI cho doanh nghiệp trong nước có chi phí rẻ và an toàn, cần có các chính sách thúc đẩy phát triển các nền tảng AI trong nước và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các nền tảng này, khi nó đã được đánh giá, xếp hạng bởi các cơ quan quản lý.

Ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập LovinBot cũng chia sẻ, thị trường AI hiện nay đang có hơn 3000 công cụ AI tạo sinh phổ biến, từ ChatGPT, Gemini đến các công cụ phục vụ trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Đa số chính sách hiện nay đều theo mô hình freemium, tức miễn phí tính năng cơ bản, trả phí cho chức năng nâng cao.

Nếu xem năm 2023 là năm bùng nổ các công cụ AI miễn phí dành cho cá nhân, thì đến 2024, hàng loạt công cụ AI đã thay đổi chính sách về giá và tập trung vào đối tượng doanh nghiệp cũng như người dùng trả phí.

Có thể kể ra các công cụ AI hàng đầu tại Mỹ năm 2023, với chính sách miễn phí cho cá nhân, như Copy.ai, Jasper, Runway. Nhưng đến năm 2024, họ đã tập trung 80% cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp và người dùng chấp nhận trả phí với các tính năng cao cấp.

Theo ông Đặng Hữu Sơn, cứ mỗi lần thêm tính năng mới, hay mô hình AI mới để tạo ra chất lượng tốt hơn, kết quả tốt hơn, các khách hàng phải nâng cấp mới được sử dụng, không còn là mặc định như trước đây. Đơn cử ChatGPT, Gemini có bản miễn phí, nhưng bản trả phí mới có những tính năng hữu ích như tích hợp GPT-4o, phân tích dữ liệu, tạo ảnh và AI cũng thông minh hơn.

Do đó, đồng sáng lập LovinBot cho rằng, doanh nghiệp nếu chỉ mới tiếp cận AI, hãy sử dụng các công cụ miễn phí để tìm hiểu cách sử dụng và xem có hữu ích thực sự hay không. Sau đó, có thể cân nhắc nâng cấp lên các bản trả phí để có nhiều chức năng nâng cao và chuyên sâu hơn.

Bà Tống Hồ Trà Linh, Giám đốc sản phẩm AIcontent, Công ty Unikon, cũng phân tích, việc sử dụng bản có phí hay miễn phí tuỳ thuộc vào mục tiêu, cách thức và quy mô ứng dụng AI vào trong doanh nghiệp.

Chẳng hạn như ở giai đoạn thử nghiệm và nghiên cứu, quy mô sử dụng cá nhân, có thể sử dụng các phiên bản miễn phí để đánh giá về chất lượng và tìm ra con đường ứng dụng AI tốt nhất. Hay với các doanh nghiệp quy mô rất nhỏ, mỗi phòng ban chỉ có một cá nhân hoạt động thì có thể tận dụng sử dụng các phiên bản miễn phí.

Tuy nhiên, hầu hết các phiên bản miễn phí đều chỉ có các tính năng giới hạn về số lượng, giới hạn về khả năng cấu hình và tích hợp linh hoạt với dữ liệu của doanh nghiệp, nên chỉ phù hợp với sử dụng ngắn hạn, cho các cá nhân và trên từng tác vụ cụ thể.

Theo bà Tống Hồ Trà Linh, nếu doanh nghiệp đã xác định chiến lược ứng dụng AI vào doanh nghiệp một cách dài hạn nhằm nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng đầu ra, thì nên có sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các phiên bản trả phí; Với quy mô càng lớn thì chi phí sử dụng càng rẻ và năng suất càng tăng.

Đồng quan điểm, ông Trần Viết Huân, CTO của Sơn Kim Group, Chủ tịch CIO Vietnam chia sẻ, tuỳ nhu cầu của doanh nghiệp mà có thể dùng các công cụ AI miễn phí hay thu phí. Chẳng hạn như Copilot của Microsoft tích hợp các ứng dụng Office 365 phổ biến trong doanh nghiệp nên rất tiện lợi và bản này phải trả tiền.

Cá nhân ông Trần Viết Huân đang dùng phiên bản ChatGPT trả tiền vì có nhiều tính năng nâng cao hơn phiên bản miễn phí. Tuy nhiên, phiên bản miễn phí cũng khá đủ tính năng với số đông nhân viên văn phòng.

Ông Trần Viết Huân cho rằng, chi phí bản quyền không phải là rào cản trong việc phổ cập AI tạo sinh trong doanh nghiệp, vì họ đều có thể tìm được phiên bản miễn phí đủ tốt cho nhu cầu ban đầu. Sau đó, tuỳ từng trường hợp, doanh nghiệp có thể mua thêm phiên bản trả tiền cho một số nhân viên sử dụng.