Theo báo Washington Post, trở ngại lớn nhất với chiến dịch phản công của Ukraine là các trận địa mìn được Nga thiết lập ở phía nam và phía đông. Khu vực từ 4-16km ở phía trước các cứ điểm chính của Nga đều được rải mìn chống tăng và mìn gây sát thương dày đặc, và chúng tỏ ra tương đối hiệu quả trong việc ngăn chặn bước tiến của các phương tiện thiết giáp.

"Bạn không còn có thể thoải mái tiến lên với một chiếc xe tăng và vài lớp giáp nữa, bởi các bãi mìn quá dày đặc. Khi không thể vượt qua được các chướng ngại này, xe tăng sẽ buộc phải dừng lại và trở thành mục tiêu cho pháo binh của đối thủ", Tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny nói.

Để tránh các bãi mìn, quân đội Ukraine buộc phải thay đổi chiến thuật của mình. Thay vì việc cố gắng xuyên phá phòng tuyến của đối phương bằng xe chiến đấu bộ binh và xe tăng, lực lượng Ukraine đang đi bộ chậm rãi về phía trước.

Binh lính Ukraine tập luyện rà phá bom mìn. Ảnh: WP

Các chuyên gia quân sự nhận xét, trận địa mìn của Nga đã làm lộ rõ điểm yếu của các phương tiện như xe chiến đấu Bradley và xe tăng Leopard. Về cơ bản, chúng có thể bảo vệ an toàn cho binh lính ngồi bên trong, nhưng rất dễ bị hư hỏng khi vướng phải mìn.

"Chúng tôi cần thêm các phương tiện phá mìn chuyên dụng như M58 MICLIC. Tôi hiểu rằng các phương tiện này vẫn đang bị đối phương bắn hạ, nhưng nó là một phần thiết yếu của cuộc phản công", ông Zaluzhny nói thêm.

Một quan chức quốc phòng Ukraine tiết lộ, Kiev đã đề nghị phương Tây cung cấp thêm nhiều hệ thống rà phá bom mìn, đặc biệt là hệ thống MICLIC của Mỹ hay ngư lôi dọn mìn Bangalore. Ngoài ra, Ukraine đang nhận được ít hơn 15% tổng số thiết bị rà phá bom mìn mà họ yêu cầu, và tốc độ chuyển giao cũng không được đảm bảo.

Phương tiện rà phá bom mìn của binh lính Ukraine. Ảnh: WP

Bên cạnh việc không có đủ thiết bị rà phá bom mìn, quân đội Ukraine cũng đang tỏ ra ngần ngại khi triển khai các phương tiện lớn và hiện đại của phương Tây. Phần lớn các bãi mìn được thiết lập ở các khu vực trống trải, không có nhiều chỗ để ẩn nấp, nên các phương tiện rà mìn lớn rất dễ trở thành mục tiêu cho pháo binh Nga.

Chỉ huy Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine cho biết, đơn vị của ông có một xe rà mìn Wisent của Đức, và đã sử dụng phương tiện này trong cuộc phản công ở vùng Zaporizhzhia. Chiếc xe Wisent hoạt động rất tốt trong đợt phản công đầu tiên, nhưng giờ chúng đã mất đi tác dụng.

"Đó là trước đây, giờ phương tiện này không còn hiệu quả nữa. Đối phương thậm chí còn mong chờ sự xuất hiện của các phương tiện rà phá bom mìn lớn. Chúng ồn ào, thiếu linh động và dễ dàng bị pháo kích", sĩ quan Oskar - Chỉ huy lữ đoàn số 47 nói.

Một quan chức Ukraine khác chia sẻ, nếu lực lượng Nga phát hiện một xe tăng chiến đấu và một xe rà mìn, họ sẽ tập kích xe rà mìn trước. Thiếu đi sự hỗ trợ của xe rà mìn, các xe tăng chiến đấu hiện đại cũng không thể tiến lên được.

Hiện tại, quân đội Ukraine đang tiến hành rà mìn thủ công để bảo đảm các hệ thống của phương Tây không bị hư hại. Nhưng việc rà mìn bằng các thiết bị cầm tay tốn rất nhiều thời gian, qua đó trực tiếp làm chậm tiến trình phản công của Ukraine.