Bà Felicity Huffman, diễn viên Hollywood và là bị can trong vụ bê bối chạy trường vừa được phát hiện ở Mỹ, đã tự giác đến tòa án nhận tội và bộc bạch về tội lỗi của mình:

“Tôi xấu hổ và thấy tội lỗi vì hành động của mình. Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn vì những gì đã xảy ra và chấp nhận mọi hình phạt từ sai lầm đó. Tôi xấu hổ khi đã khiến con gái tổn thương, xấu hổ với nền giáo dục. Tôi xin lỗi, lời xin lỗi sâu sắc nhất dành cho những học sinh chăm chỉ học tập để có thể vào đại học. Tôi xin lỗi cha mẹ của các em, những người hy sinh để mong con gái học tập và đỗ đạt một cách trung thực”.

Đó là những lời bộc bạch, hối lỗi mà lẽ ra chúng ta cần nghe được từ bất kỳ ai đó đã và đang bị phát hiện trong đường dây mua bán điểm ở Việt Nam. Thật đáng tiếc, không có một ai cả. Tất cả chỉ là những lời biện minh, thoái thác trách nhiệm.

Dường như các quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng như quan chức các địa phương có thí sinh được sửa điểm đều né tránh công khai danh tính của những người này để xử lý theo pháp luật những kẻ ăn cắp kiến thức, cướp cơ hội học tập của người khác. Đó là những phụ huynh của những thí sinh được sửa điểm. 

Quan “chưa nắm được” 

Các phóng viên nhiều báo, đài đã nỗ lực mày mò không mệt mỏi truy tìm danh sách những thí sinh được sửa điểm để từ đó công khai hóa tên và nghề nghiệp các phụ huynh của những thí sinh này ra ánh sáng. Nhờ vậy, công luận mới biết được danh tính của các bậc phụ huynh “đáng kính” có con cháu được sửa điểm. 

Ấy vậy mà, ngày 21/4/2019, trao đổi với phóng viên về nghi vấn nhiều con cháu cán bộ, đảng viên trong tỉnh được nâng điểm, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình, cho biết “Tỉnh uỷ rất quan tâm” nhưng “chưa nhận được thông tin chính thức của cơ quan điều tra về danh sách thí sinh…”. Và “Hoà Bình nhất quán quan điểm nếu lãnh đạo tỉnh có sai phạm thì phải xử lý nghiêm”. 

Không hiểu ông Phó Bí thư Tỉnh uỷ “rất quan tâm” và “xử lý nghiêm” đến mức nào mà sau 8 tháng phát hiện tỉnh ông có dấu hiệu gian lận trong kỳ thi và sau hơn 1 tháng Cơ quan điều tra công bố danh sách 64 thí sinh Hòa Bình được sửa điểm, ông vẫn “chưa nhận được thông tin chính thức”.

{keywords}
Sửa điểm: náo động cả nước mà quan chưa rõ, phụ huynh chưa tỏ? Ảnh minh họa: TNO

Còn ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình khẳng định chưa nắm được thông tin về danh sách các thí sinh là con cháu lãnh đạo trong tỉnh được nâng điểm. Trước câu hỏi của phóng viên, Sở có xác minh bản danh sách hay không, ông Đắc nói: "Việc này phải chờ chỉ đạo của cấp trên". 

Cũng kiểu cách tương tự, ngày 18/4/2019, trao đổi với phóng viên về hơn 20 thí sinh ở Sơn La được nâng điểm, được cho là con em của lãnh đạo Sở GD&ĐT, Cục Thuế, UBND TP. Sơn La, UBND huyện Quỳnh Nhai..., ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nói: "Tỉnh mới nắm thông tin qua báo chí, chưa nhận được văn bản nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an về danh sách này". 

Không hiểu các vị từ phó Bí thư Tỉnh ủy đến Giám đốc Sở GD&ĐT ở Hòa Bình, Sơn La thực hiện chức trách, nhiệm vụ kiểu gì mà sự việc tày đình làm xôn xao cả nước, diễn ra trên địa phương mình, do thuộc cấp của mình gây ra, với thời gian đã khá dài nhưng khi công luận cần trả lời, thì các vị rất giống nhau trong cách ứng phó nào là “chưa nắm được” và “chờ chỉ đạo”. Vì sao họ lại thụ động chờ báo áo? Đằng sau sự chậm trễ này là gì?   

“Phụ huynh VIP” cũng không hay biết? 

Những quan chức chịu trách nhiệm xử lý những phụ huynh, thí sinh được sửa điểm là vậy. Còn thái độ của những quan chức có con được sửa điểm thì sao? 

Khi con gái có tên trong danh sách những thí sinh được sửa điểm, ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định với báo giới là “…tôi không biết thế nào” và rằng “có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?” 

Thế thì phải chăng có “thế lực thù địch” cố tình hại uy tín ông Bí thư Tỉnh ủy? Nếu đúng vậy thì các cơ quan thực thi pháp luật cần điều tra tìm ra những kẻ đó để minh oan cho vị lãnh đạo. 

Còn Phó Giám đốc GD&ĐT Sơn La, khi phóng viên VietNamNet hỏi về cảm giác khi con rơi vào nhóm thí sinh được nâng điểm đã trả lời: “Hiện tại, tôi chưa thể chia sẻ được điều gì. Tôi đang rất buồn. Chỉ biết nói thế thôi! Mất hết danh dự, uy tín”. 

Ai làm ông Phó Giáo đốc Sở “mất hết danh dự, uy tín” đây, hay lại là “thế lực thù địch”?

Vụ sửa điểm kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2018 là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, bởi đối tượng vi phạm, tính chất vi phạm và thí sinh được nâng điểm hầu hết là con cháu cán bộ lãnh đạo địa phương, trong đó có con Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, con Bí thư Tỉnh uỷ, cháu ruột Phó Chủ tịch tỉnh... 

Nghiêm trọng nhất là sự cấu kết có tổ chức của nhiều cán bộ, viên chức trong Ngành Giáo dục, Công an trong việc sửa điểm cho thí sinh. Vụ việc để lại hậu quả nặng nề về đạo đức công vụ, đạo đức xã hội và uy tín của nền giáo dục nước nhà. 

Thủ phạm đầu tiên của vụ việc này là những phụ huynh hoặc đã dùng quyền hạn chức vụ hoặc dùng hối lộ để tác động sửa điểm. Vì không ai cố tình vi phạm luật nếu không bị tác động bởi những yếu tố đó. 

Trong khi đó, lãnh đạo các địa phương đang có dấu hiệu bao che, dung túng cho những phụ huynh có con được sửa điểm. 

Để không kéo dài tình trạng bức xúc, bất bình của công luận, vụ việc phải xử lý khách quan, nghiêm minh, kịp thời. Muốn vậy, không thể giao cho công an địa phương điều tra, kết luận mà Bộ Công an cần phải vào cuộc. 

Chỉ có như vậy mới có hy vọng mang lại niềm tin cho nhân dân trong việc giải quyết vụ tiêu cực nghiêm trọng nhất được phát hiện trong thi cử từ trước tới nay ở Việt Nam.

Và đến bao giờ chúng ta mới được nghe những lời xin lỗi chân thành nhất của các phụ huynh - các bị can trước tòa, như bà Felicity Huffman.

Nguyễn Huy Viện